Du lịch
TP.HCM: Nhân viên Bảo tàng vừa phục vụ du khách, vừa lo ngại kẻ gian
Thị Hồng - 07/01/2021 22:02
Là một trong những điểm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, nhưng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được nhận định là một “điểm nóng” về an ninh trên địa bàn TP.HCM.

Thực tế nhân viên Bảo tàng vừa phục vụ du khách vừa “ngồi trên đống lửa” là chủ đề được bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc chia sẻ tại buổi Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn TP.HCM, do Sở Du lịch, Công an TP.HCM tổ chức chiều nay, tại TP.HCM.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh rộng 6.000 m2 được chia thành 03 khu vực chính gồm tòa nhà trưng bày, tòa nhà làm việc và khu vực trưng bày ngoài trời.

Vừa là một trong những điểm thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, đồng thời, Bảo tàng được nhận định là một “điểm nóng” về an ninh, chính trị do tính chất hoạt động của Bảo tàng cũng dễ thu hút các thế lực thù địch âm mưu thực hiện những hoạt động phá hoại, gây rối, gây mất an ninh chính trị. 

Bà Nguyễn Trần Tâm Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (Ảnh: TH).

Điểm lại một số sự kiện đáng nhớ diễn ra trong những năm gần đây, bà Tâm Hà cho biết, trung bình có 1-2 vụ việc khách quốc tế mất tài sản khi đang tham quan Bảo tàng nghi ngờ do bị “móc túi” (năm 2018, 2019 đều có hai trường hợp). 

Khu vực giao lộ Lê Quý Đôn - Võ Văn Tần cũng thường xuyên xảy ra tình trạng khách du lịch bị giật túi xách, giật điện thoại di động, taxi “dù”, người bán hàng rong chèo kéo khách,.... 

“Hơn thế nữa, cứ đến những ngày lễ lớn của đất nước, tính chất “nhạy cảm”, phức tạp trong công tác an ninh trật tự và an ninh chính trị tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh càng thể hiện rõ, nhân viên Bảo tàng vừa phục vụ khách tham quan vừa như “ngồi trên đống lửa”, lo lắng và không ngừng cảnh giác”, bà Nguyễn Trần Tâm Hà chia sẻ và cho biết, ban lãnh đạo Bảo tàng đã bố trí 13 nhân viên bảo vệ luân phiên chia ca trực 24/24.

Trước khi lượng khách tham quan giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong điều kiện bình thường phục vụ hàng ngàn khách tham quan mỗi ngày, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh còn phải thuê thêm 03 nhân viên bảo vệ từ công ty dịch vụ. 

Tuy nhiên, đa số lực lượng bảo vệ có tuổi đời còn khá trẻ, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, lại chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ bài bản. 

Trong khi đó, nhiều đối tượng tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, có tổ chức và việc đối phó với người nước ngoài cũng nhạy cảm nên vấn đề trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ này cũng là nỗi trăn trở của tập thể lãnh đạo Bảo tàng. 

Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng cho biết, từ nhiều năm nay, Công an Thành phố không còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng này. 

Vì vậy để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ bảo vệ tại chỗ, hàng năm Bảo tàng phải chủ động tổ chức các cuộc tọa đàm, tập huấn nội bộ. 

Ngoài ra, từ năm 2014, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được giao tiếp nhận và đưa vào vận hành hệ thống camera quan sát khu vực trưng bày và khu vực kho bảo quản hiện vật. 

Tuy nhiên sau nhiều năm vận hành, bà Tâm Hà cho biết, hệ thống camera này cũng dần hư hỏng, lạc hậu và không còn đáp ứng tốt yêu cầu của đơn vị. 

Vì vậy năm 2018, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã chủ động tự trang bị, bổ sung một số camera mới. Đến nay, cơ bản toàn bộ khuôn viên bảo tàng đều được bao quát, quan sát tốt.  

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là 1 trong 10 bảo tàng tốt nhất trên thế giới năm 2018 do du khách bình chọn, theo TripAdvisor (Nguồn: internet).

Bên cạnh nâng cao số lượng cũng như nghiệp vụ của nhân viên bảo vệ, bổ sung thiết bị giám sát, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của các cơ quan chức năng cũng là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tại Bảo tàng. 

Bà Tâm Hà cho rằng, thông thường, khi xảy ra các tình huống phát hiện đối tượng nghi vấn, lực lượng bảo vệ của Bảo tàng vừa chủ động quan sát, theo dõi vừa lập tức thông báo cho cơ quan công an địa phương và đa số đều nhận được sự phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn xử lý kịp thời. 

Nhưng với các trường hợp khách bị mất tài sản trình báo với công an địa phương, đôi lúc việc xử lý, phản hồi thông tin của cơ quan chức năng địa phương còn chậm.

Đối với khách du lịch, việc mất tài sản và giấy tờ tùy thân sẽ làm ảnh hưởng đến cả chuyến đi và tâm trạng của họ. 

Mặt khác, tình trạng cướp giật tài sản của khách; xe taxi “dù”, xe ôm, buôn bán hàng rong chèo kéo khách tại khu vực cổng và bên ngoài hàng rào Bảo tàng vẫn còn là “bài toán” nan giải bấy lâu nay. 

“Rõ ràng, tình trạng trên không chỉ gây mất an ninh trật tự địa phương mà còn để lại ấn tượng xấu về hình ảnh văn hóa, du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Xa hơn nữa, hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong lòng du khách quốc tế”, Phó giám đốc Bảo tàng chứng tích chiến tranh nói. 

Tin liên quan
Tin khác