Trong buổi họp báo vào chiều 9/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, có nhiều yếu tố tác động khiến nhiều mặt hàng bị tăng giá trong vài ngày gần đây.
Trong đó, có liên quan đến chi phí vận chuyển tăng do phương thức vận chuyển thay đổi, quy định kiểm dịch đối với phương tiện ra vào Thành phố.
Đồng thời, do nhu cầu mua gom và dự trữ tăng cao trong 2 ngày qua nên tiểu thương đẩy giá, dẫn đến giá bán tăng cao tại một số thời điểm và ở một số khu vực.
Tuy nhiên, lượng hàng hóa ngày 9/7 đã dần ổn định trở lại với số lượng dồi dào.
“Sở đã yêu cầu Thanh tra tiến hành kiểm tra rà soát và xử phạt những trường hợp lợi dụng tình thế khó khăn để nâng giá bán”, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM nói.
Đồng thời tối 9/7, đơn vị này đã có văn bản gửi ban giám đốc các hệ thống phân phối trên địa bàn về việc tăng lượng cung với thực phẩm chế biến sẵn sau khi UBND TP.HCM giao Sở Công thương Thành phố có văn bản yêu cầu các hệ thống phân phối (như Saigon Co.op, Satra, Mega Market, Bách hoá Xanh, VinMart, Aeon,…) tăng lượng thực phẩm chế biến sẵn; chung tay giải quyết các khó khăn chung.
Theo đó, cơ quan này đề nghị ban giám đốc các hệ thống phân phối trên địa bàn tăng lượng cung ứng lương thực, thực phẩm chế biến sẵn; đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy kệ, đa dạng chủng loại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tình hình cung ứng hàng hoá và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại một số đơn vị kinh doanh thực phẩm thiết yếu tại TP.HCM ngày 9/7 (Nguồn: Sở Công thương TP.HCM). |
Đồng thời, đảm bảo các điểm bán hàng hoạt động liên tục, không gián đoạn, liên tục bổ sung hàng hóa lên kệ hàng, hạn chế để quầy/kệ trống, đặc biệt với nhóm hàng bình ổn thị trường, lương thực/ thực phẩm thiết yếu.
Các hệ thống siêu thị cũng được đề nghị bổ sung nhân sự, có chính sách khuyến khích mua hàng trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ, điện thoại,… nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; hạn chế tối đa tiếp xúc, tập trung đông người, trong đó ưu tiên hiển thị các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn phục vụ bữa ăn hằng ngày của người dân.
Ngoài ra, các đơn vị phân phối cũng cần có phương án phối hợp với hệ thống giao hàng, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu, đảm bảo giao nhận đúng quy trình, an toàn trong phòng chống dịch.
Việc cung cấp thông tin các hình thức kinh doanh trực tuyến, giới thiệu thực đơn, các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn hiện có tại điểm bán của hệ thống phân phối về Sở Công thương Thành phố được khuyến nghị thực hiện để cơ quan này có phương thức hỗ trợ về thông tin, truyền tải rộng rãi đến người dân.
Theo Báo cáo nhanh của Sở Công thương TP.HCM về tình hình cung ứng hàng hoá và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại một số đơn vị kinh doanh thực phẩm thiết yếu trên địa bàn Thành phố ngày 9/7, đa phần đều ghi nhận số lượng khách đến mua giảm so với ngày liền kề trước đó.
Ví dụ, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 9/7 tại Co.op Mart Nhiêu Lộc quận 3 có đầy đủ, đa dạng rau củ quả, thực phẩm tươi sống,…ghi nhận lượng khách giảm; hàng hoá về đều dặn, số lượng hơi giảm do nhà cung cấp không đủ nhân lực do sức mua tăng đột biến ngày trước đó, tồn nhiều đơn hàng online do siêu thị không đủ nhân sự.
Hay tại Bách hoá xanh tại Nguyễn Văn Bứa, Hóc Môn vào khoảng 8g30 phút đầy đủ hàng hoá, giá bình ổn, vắng khách. Tuy nhiên, cửa hàng Bách hoá xanh tại đường Bình An, Thành phố Thủ Đức vào khung giờ tương tự lại đông khách và được phục vụ mỗi đợt khoảng 10 người,…