Chuyển động thị trường
TP.HCM tăng hệ số điều chỉnh giá đất: Cú huých cho thị trường bất động sản
Việt Dũng - 26/05/2021 14:33
Việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) sẽ giúp công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở các dự án giao thông tại TP.HCM nhanh hơn, tạo cú huých cho thị trường bất động sản.

Cú huých mang tên hạ tầng

Quy định mới về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi do UBND TP.HCM ban hành đã chính thức có hiệu lực thi hành. Điều này giúp công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP.HCM nhanh hơn.

Lâu nay, bồi thường, hỗ trợ tái định cư luôn là một trong những điểm nghẽn chính sách khi triển khai các dự án có thu hồi đất tại TP.HCM, khiến các dự án trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng, bị chậm, dẫn đến đội giá, chậm tiến độ.

Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, lâu nay, việc đền bù giải phóng mặt bằng đối với các dự án giao thông tại TP.HCM luôn gặp khó khăn, do pháp lý chưa thật rõ ràng. Quan điểm giữa người dân và Nhà nước còn khác nhau. Định giá đất cho người dân chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường, khiến người dân luôn cảm thấy mình là người chịu thiệt, trong khi Nhà nước chưa có lý giải thỏa đáng.

“Tắc nghẽn giải phóng mặt bằng, kéo theo tắc nghẽn các dự án là nguyên nhân chính khiến TP.HCM không thể giải ngân vốn đầu tư công. Không chỉ các dự án mới, mà hàng trăm dự án tồn đọng nếu quyết tâm xử lý nhanh chóng, thì sẽ là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế cho TP.HCM hiện nay cũng như trong tương lai”, chuyên gia này nhận định.

Đồng quan điểm, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trong 75 dự án đang quản lý, thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công, nhưng còn vướng mặt bằng.

Nguyên nhân chủ yếu là do không có mặt bằng sạch để thi công, do khó giải phóng mặt bằng. Do vậy, theo ông Phúc, khi UBND Thành phố quyết định điều chỉnh tăng hệ số K để lập phương án bồi thường, giá bồi thường sẽ cao hơn nhiều so với bảng giá đất để tiệm cận giá thị trường.

Ngoài ra, với cơ chế đặc thù, quy trình sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian và chỉ còn một công đoạn phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường.

Mở rộng cơ hội đầu tư

Từ lâu, kết cấu hạ tầng và bất động sản đã được ví như là “đôi bạn cùng tiến”, hạ tầng phát triển đến đâu, thì giá trị nhà đất cũng tăng theo tới đó và ngược lại. Nói như bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land (công ty thành viên của Tập đoàn Vạn Phúc), giao thông, hạ tầng là nền tảng, là xương sống của một vùng kinh tế và các dự án bất động sản là thực thể không thể tách rời trong sự phát triển chung của vùng kinh tế đó. Tất cả các yếu tố này sẽ tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, là động lực thu hút đầu tư.

Chẳng hạn, tại Dự án Metro số 1, dù chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng dọc theo cung đường này đã xuất hiện hàng loạt dự án bất động sản lớn.

Tương tự, dọc theo trục đường Mai Chí Thọ và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sau khi các tuyến đường này đưa vào hoạt động đã kéo theo làn sóng đầu tư của hàng loạt dự án mới như Khu đô thị Sala của Đại Quang Minh, Dự án The Sun Avenue, Khu đô thị Lakeview của Novaland, Gem Center của Đất Xanh, các dự án của Khang Điền…

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà phát triển bất động sản hàng đầu như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Nam Long, Vạn Phúc, Kiến Á... đều tiếp cận và nắm giữ đất tại các khu vực lân cận những dự án hạ tầng nói trên, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn với nguồn vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hệ số K được ban hành giúp đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng cho 200 dự án đầu tư công đang ách tắc hiện nay. Đây là nỗ lực của Thành phố để giảm bớt bất hợp lý khi thực hiện các dự án đầu tư công so với dự án của tư nhân.

Tin liên quan
Tin khác