Thông đến buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề về kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, ngày 16/5, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn về tình hình kiểm tra thị trường vàng, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, tính đến ngày 14/5, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã phát hiện, kiểm tra đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn.
Qua đó, đã tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền,... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ (có một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu) để thử nghiệm xác định trọng lượng, hàm lượng vàng với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.
Các vụ việc hiện đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.
Tính đến nay, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã xử phạt 21 vụ với số tiền là 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Cục Quản lý thị trường Thành phố cho biết lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng vàng theo đúng trình tự thủ tục theo quy định, khi phát hiện các hành vi vi phạm thì sẽ được ngăn chặn kịp thời và bị xử lý nghiêm, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ tịch thu theo quy định.
Bên cạnh việc kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng, trong khoảng 5 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, đã tạm giữ 12.222 đơn vị sản phẩm (viên, chai, hộp) thực phẩm chức năng các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá khoảng gần 500 triệu đồng. Đã xử phạt với số tiền 216 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Cục Quản lý thị trường Thành phố cho biết đối với nhiều mặt hàng thực phẩm chức năng giả hiện nay khi phát hiện, bắt giữ phải được giám định trước khi xử lý nhưng một số sản phẩm không có mẫu hàng thật do nhiều mặt hàng không lưu hành ở Việt Nam hoặc không có đại diện sở hữu dẫn đến cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự mà phải chuyển sang xử lý hành chính nên không đủ mang tính răn đe đối với những đối tượng vi phạm.
Trong khi đó, lợi dụng nhu cầu dùng thực phẩm chức năng của người dân cao, nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho cơ quan quản lý không quản lý được nội dung quảng cáo nên không xác định được chủ thể quảng cáo và không có cơ sở để xử lý vi phạm.