Khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh), một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước. |
Ông có thể khái quát quá trình hình thành và phát triển tỉnh Trà Vinh trong 120 năm qua, cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh Trà Vinh để phát triển kinh tế?
Trải qua suốt tiến trình lịch sử, nhân dân tỉnh Trà Vinh luôn anh dũng, kiên cường. Đặc biệt, từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Trà Vinh, quân và dân trong tỉnh đã tiến hành khởi nghĩa tháng 8/1945 giành thắng lợi, lập nên chính quyền cách mạng; đóng góp nhiều công sức trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Với những chiến công vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Sau đại thắng Mùa xuân 1975, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Trà Vinh tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ chính quyền cách mạng, cùng cả nước chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân đã tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và đạt được những thành tựu quan trọng: sản lượng lương thực từ 519.000 tấn (năm 1986) lên trên 1,2 triệu tấn (năm 1990). Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được điều chỉnh, sắp xếp từng bước thích nghi với cơ chế thị trường, giá trị, sản lượng tăng đáng kể.
Phát triển kinh tế trong giai đoạn này tạo sự chuyển biến tích cực của đời sống xã hội, cơ cấu kinh tế, phân công lao động, khai thác đất đai, ngành nghề, sản phẩm làm ra từng bước phù hợp với nền kinh tế hàng hóa. Các hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình, văn hóa - văn nghệ được đầu tư chiều sâu. Công tác giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác đền ơn, đáp nghĩa có sự chuyển biến tích cực, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và tăng cường.
Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh |
Về tiềm năng lợi thế để phát triển, Trà Vinh có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (có luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu); nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, nhìn ra biển Đông, hạ tầng giao thông thủy bộ liên hoàn nối kết với khu vực và quốc tế qua hệ thống cảng biển từng bước được đầu tư hoàn thiện.
Nông nghiệp Trà Vinh phát triển đa dạng, phong phú, hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ, thuận lợi cho nuôi thủy sản như tôm sú, tôm thẻ, cá tra, trồng lúa hữu cơ, cây ăn trái…
Về công nghiệp, Trà Vinh được Chính phủ quy hoạch phát triển Khu kinh tế Định An (là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước), 3 khu công nghiệp (Long Đức, Cổ Chiên, Cầu Quan) và 13 cụm công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Điện lực Duyên Hải với 4 nhà máy, tổng công suất 4.415 MW.
Tỉnh còn có tiềm năng du lịch phong phú, đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc với nhiều loại hình như du lịch văn hoá, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch truyền thống - lịch sử; nhiều loại đặc sản; người dân hiền hoà và mến khách.
Một lợi thế của tỉnh cũng cần kể đến, đó là nguồn lao động dồi dào với 60% dân số trong độ tuổi lao động (65,56% qua đào tạo).
Trà Vinh đã đạt được những thành tựu nổi bật nào trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống nhân dân, thưa ông?
Khi mới tái lập, Trà Vinh là một trong những tỉnh nghèo nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xuất phát điểm về kinh tế - xã hội rất thấp, kinh tế thuần nông, sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, thương mại và dịch vụ kém phát triển...
Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã đề ra chủ trương đúng đắn, toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo được sự thống nhất cao trong nội bộ và đồng thuận trong nhân dân, phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, tài nguyên và nguồn lực của tỉnh, từng bước đưa Trà Vinh phát triển. Sau 28 năm tái lập, tỉnh Trà Vinh có bước phát triển tích cực.
Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2019 đạt hơn 28.157 tỷ đồng, gấp 62 lần so với năm 1992. Đến nay, toàn tỉnh có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 64,7% tổng số xã); 60% ấp nông thôn mới, 79,4% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa nông thôn mới; huyện Tiểu Cần, Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nổi bật là lĩnh vực sản xuất công nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Năm 1992, giá trị sản xuất chỉ đạt 270 tỷ đồng, đến cuối năm 2019 ước đạt 38.584 tỷ đồng (gấp 143 lần).Toàn tỉnh có 1 khu kinh tế; 3 khu công nghiệp (trong đó KCN Long Đức đã lấp đầy; 2 KCN đang kêu gọi đầu tư hạ tầng), quy hoạch 13 cụm công nghiệp (4 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng); 13 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 1992 đạt 702 tỷ đồng, năm 2019 ước đạt 36.781 tỷ đồng (gấp 52 lần). Đến nay, toàn tỉnh có 116 chợ, 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị.
Trà Vinh đã huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm đều tăng, năm 2019 đạt 26.972 tỷ đồng. Hệ thống giao thông đường bộ phát triển nhanh; đầu tư đưa vào sử dụng nhiều công trình mới như: cầu Cổ Chiên, luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, cầu Long Toàn, cầu Láng Chim, cầu Long Bình 2, 3, Quốc lộ 53, 53B, 54, 60… kết nối hệ thống giao thông khá thuận tiện với TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Chú trọng phát triển lưới điện phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, đến nay hộ sử dụng điện đạt tỷ lệ 98,95%. Đã đầu tư xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải với tổng công suất 4.372,5 KVA, Dự án điện gió (giai đoạn I) với quy mô công suất 48 MW và Dự án nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 165 MW; các đường dây truyền tải điện liên tỉnh 500 kV, 220 kV...
Đặc biệt, tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách đối với người có công và bảo trợ xã hội. Khi tái lập tỉnh, Trà Vinh có gần 20% hộ đói, 40% hộ nghèo, đến cuối năm 2019, tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,33%.
Trà Vinh đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nào để sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL theo mục tiêu đã đề ra, thưa ông?
Trà Vinh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan để thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Trà Vinh, gắn với Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực; tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ vững quốc phòng, an ninh…
Thứ hai, với lợi thế là địa bàn có vị trí quan trọng, là trung tâm cửa ngõ hướng ra biển Đông của khu vực ĐBSCL, Trà Vinh tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ, các chính sách ưu đãi hiện hành của Nhà nước, nhanh chóng xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, trong đó chú trọng các lĩnh vực: phát triển kinh tế biển và ven biển, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến tinh, sâu các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; công nghiệp cơ khí, sửa chữa, đóng tàu, công nghiệp phụ trợ, logistics; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Vận dụng có hiệu quả hoặc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, chú trọng tạo quỹ đất sạch mời gọi đầu tư.
Thứ ba, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng văn hóa và con người; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, sắp xếp tinh gọn tổ chức và bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Xây dựng chính quyền các cấp “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết kịp thời, có hiệu quả các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thứ năm, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thứ sáu, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ bảy, đổi mới công tác vận động quần chúng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố, tăng cường sự đồng thuận xã hội.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị nông - lâm nghiệp - thủy sản từ 77,91% năm 1992, giảm còn 31,74% năm 2019, công nghiệp - xây dựng từ 8,49% năm 1992, tăng lên 32,45% năm 2019, dịch vụ từ 13,6%, tăng lên 35,81%. GRDP bình quân đầu người năm 1992 khoảng 0,73 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2019 đạt 59,09 triệu đồng, gấp 80,9 lần.