Đầu tư và cuộc sống
Trải nghiệm văn hóa Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo ở Việt Nam
Nhung Bùi - 16/03/2024 07:39
Nhiều hoạt động được tổ chức trong cộng đồng người Hồi giáo ở Việt Nam nói riêng và trên khắp thế giới nói chung để chào đón Thánh lễ Ramadan.

Lễ Ramadan là Thánh lễ linh thiêng nhất trong năm đối với người Hồi giáo (Muslim). Theo quan niệm của người Hồi giáo đây là tháng lễ để tẩy rửa rội lỗi, được tha thứ và giúp con người trở nên trong sạch. Nhờ đó, họ được tiếp thêm sức mạnh của Thượng Đế (Alah).

Thánh lễ Ramadan không có thời điểm cố định. Theo cách tính của người theo đạo Hồi, ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan được tính theo lịch mặt trăng, bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng thứ hai, khi trăng lưỡi liềm xuất hiện.

Tháng lễ Ramadan là thời gian lễ hội vui vẻ nhất trong năm của người Muslim. Vào những ngày này, người Muslim ở khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung ở những lễ đường công cộng: phòng cầu nguyện, Thánh đường, Thánh địa... để cùng nhau cầu nguyện. Theo truyền thống, họ sẽ tụ tập với gia đình và bạn bè để ăn hai bữa trong ngày là bữa Suhoor (bữa trước khi mặt trời mọc) và bữa Iftar (bữa ăn sau khi mặt trời lặn).

Ở Việt Nam, tại những tỉnh có Thánh đường Hồi giáo như Hà Nội, TP.HCM, An Giang, Ninh Thuận... người Muslim tại địa phương và du khách là người Muslim đến từ các quốc gia khác sẽ tập trung tại Thánh đường để thực hiện nghi thức cầu nguyện.

Tại thánh đường duy nhất ở Hà Nội có tên AI Noor Mosque, 12 Hàng Lược, Hoàn Kiếm, thời điểm này, mỗi ngày có tới hơn 300 người Muslim là người bản địa, tín đồ Hồi giáo nước ngoài sống và làm việc tại Hà Nội, cũng như du khách Hồi giáo tới cầu nguyện và dự tiệc Iftar.

Người Hồi giáo cầu nguyện tại Thánh đường AI Noor Mosque 12 Hàng Lược, Hà Nội.

Anh Raja Janjua, chủ nhà hàng Nan n Kabab - Nhà hàng Halal khá nổi tiếng tại Hà Nội, cho biết thường vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan, nhà hàng của anh tài trợ tiệc Iftar tại Thánh đường để chiêu đãi tín đồ tới dự lễ cầu nguyện. Các đại sứ quán các nước Hồi giáo và cộng đồng các tín đồ cũng đăng ký lịch tài trợ tiệc Iftar tại thánh đường suốt tháng Ramadan.

Thức ăn trong bữa tiệc  là thực phẩm Halal được nấu theo phong vị phù hợp với mọi người thuộc các nước Hồi giáo như cơm pulao, cơm gà biryani, gà Korma, bò nướng Kabab, cà ri cừu, bánh Nan… Và quả chà là luôn là đồ ăn thông dụng và ưa thích của mọi tín đồ.

Các tín đồ từ vài chục quốc gia trên thế giới cùng nhau cầu nguyện tại Thánh đường Al Noor và cùng nhau dự tiệc Iftar.

Gia đình anh Raja (đã sống tại Việt Nam 19 năm) và vợ là chị Thủy rất nhiệt tình trong công tác phục vụ cộng đồng Hồi giáo cũng như lan tỏa sự hiểu biết cộng đồng về người Muslim và thực phẩm Halal. Năm nay một số bạn bè quan tâm tới lĩnh vực công nghiệp Halal cũng được gia đình anh Raja mời tới dự lễ Iftaf để có trải nghiệm về nét văn hóa đắc sắc này.

Gia đình anh Raja và chị Thuỷ cùng hai con phục vụ tiệc chiêu đãi Iftar tại Thánh đường.


Các nhà nghiên cứu và doanh nhân người Việt được mời tham dự bữa tiệc Iftar tại Thánh đường Al Noor.


Những năm vừa qua, cộng đồng người Hồi giáo ở Hà Nội đã cùng nhau làm thiện nguyện, đóng góp giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn đột xuất và cống hiến cho xã hội. 

Bên cạnh đó, cộng đồng người Hồi giáo tại Việt Nam đã rất tích cực tham gia để kết nối, giúp đỡ các doanh nhân người Việt có thể tiếp cận được với các mối làm ăn, hợp tác với người Hồi giáo tại các quốc gia Hồi giáo trên thế giới, chủ yếu là Trung Đông. Đây là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ Việt Nam mở rộng thị trường sang Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo GCC - gồm sáu quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman, khu vực có tiềm năng to lớn cho phát triển kinh tế giao thương.

Cũng theo anh Raja, số người Muslim đến Thánh đường tăng lên nhiều so với những năm trước là một tín hiệu mừng. Điều này chứng tỏ sự cởi mở, mến khách của Việt Nam đã gây được sự chú ý đối với người Muslim.

“Du khách Hồi giáo đến du lịch ở các tỉnh phía Bắc và Hà Nội đang tăng lên. Chúng ta nên tận dụng cơ hội khai thác thị trường Hồi giáo gần 2 tỷ dân này để thúc đẩy du lịch cũng như xuất khẩu hàng hóa. Bởi người Hồi giáo khi đi du lịch thường chi tiêu ở mức cao, mua sắm nhiều, có xu hướng ở lâu và đi thành đoàn từ 5-7 người đến vài chục người trở lên. Nơi nào có dịch vụ phù hợp với người Hồi giáo – theo tiêu chuẩn Halal - thì họ có xu hướng ở lâu hơn, thường xuyên quay trở lại và giới thiệu cho bạn bè người thân cùng đến”, anh Raja chia sẻ.

Những món ăn thường thấy trong bữa tiệc Iftar.

Thống kê cho thấy trung bình du khách các nước thuộc GCC chi tiêu nhiều hơn 6,5 lần so với mức bình quân của toàn cầu, với 40% du khách cá nhân chi tiêu nhiều hơn 10.000 USD mỗi chuyến đi. Với khách du khách Hồi giáo đến từ Malaysia, mức chi tiêu ước tính trung bình trên 2,5 triệu đồng/người/ngày.

Để tăng cường sự giao lưu hiểu biết về văn hóa và ẩm thực người Hồi giáo cho các bạn bè Việt Nam, anh Raja cho biết một số món ăn Iftar theo nghi thức Ramadan sẽ được phục vụ tại nhà hàng Nan n Kabab trong thời gian diễn ra Thánh lễ Ramadan 2024. Những món ăn này được nấu bởi các đầu bếp giàu kinh nghiệm đến từ chính các quốc gia Hồi giáo nên chuẩn Halal, và được gia giảm một chút cho phù hợp với khẩu vị của người Việt, do đó rất dễ thưởng thức và rất đáng để trải nghiệm. 

Tin liên quan
Tin khác