Doanh nghiệp
Trần Trọng Nghĩa, nhà sáng lập Bảo tàng Biệt động Sài Gòn-Gia Định: Đam mê, nhưng phải kiếm ra tiền
Hồng Phúc - 03/09/2020 09:50
Triết lý đam mê cũng phải kiếm ra tiền của Trần Trọng Nghĩa - cháu nội của anh hùng Trần Văn Lai đã đưa mô hình bảo tàng lịch sử về gần với cuộc sống sôi động của người trẻ.
Trần Trọng Nghĩa.

Mùi vị của… lịch sử

Khách thăm quan đến di tích của lực lượng biệt động Sài Gòn trên đường Đặng Dung (phường Tân Định, quận 1, TP.HCM) sẽ thấy lại một giai đoạn lịch sử, những dòng chảy thầm lặng, nhưng đầy sức sống dưới những căn hầm bí mật.

Căn nhà do ông bà Đỗ Miễn xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước, bên ngoài để bán cơm phục vụ những người lính Đại Hàn (Hàn Quốc) tham chiến ở Việt Nam, nhưng bên trong là nơi nuôi giấu cán bộ; cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc Tây... ra chiến khu.

Trước năm 1975, cơ sở hoạt động bí mật này được vận hành dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai. Ông Lai là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một thành viên của đơn vị 159 Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và là ông nội của Trần Trọng Nghĩa.

Nhưng khách thăm quan sẽ không chỉ thấy hình ảnh của một giai đoạn lịch sử được phục dựng tại chỗ, họ có thể thưởng thức món cơm Tấm Đại Hàn và cà phê bơ Bretel của Pháp - thức uống làm mê mẩn người Sài Gòn xưa. Trong không gian phối trộn giữa quá khứ và hiện tại, những chiến công dũng cảm lực lượng biệt động Sài Gòn sẽ không chỉ in đậm trong tâm khảm những cựu chiến binh, những người đi qua các thời khắc khó quên của lịch sử mà còn đi vào vào cảm xúc của những người trẻ một cách chân thực, đậm mùi vị.

“Lịch sử không thể khô khan và nhàm chán. Bảo tàng không thể chỉ là nơi trưng bày thuần túy, không thể chỉ dành cho những người đam mê lịch sử. Chúng ta có thể kéo người trẻ đến với các câu chuyện của lịch sử bằng những điều hấp dẫn họ”, Trần Trọng Nghĩa, sinh viên năm nhất Đại học RMIT, quản lý vận hành một bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định và 3 quán cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn đã nói về công việc đang làm.

Thực ra, Trần Trọng Nghĩa đang đi con đường mà gia đình muốn làm theo di nguyện của ông nội Trần Văn Lai về gìn giữ những chiến công thầm lặng của lực lượng biệt động Sài Gòn. Suốt 6 năm, dựa trên nhật ký của ông nội, hai cha con Nghĩa đã tìm ra 20 căn nhà có hầm bí mật nuôi giấu biệt động. Đầu năm 2018, gia đình Nghĩa được gia đình ông Miễn giao quyền quản lý căn nhà, để khai thác làm di tích lịch sử. Ông Bình (cha của Nghĩa) đã mày mò, tìm kiếm các hiện vật, phục dựng cảnh cũ. Ông Bình còn ấp ủ mở tour du lịch nối các điểm di tích xem kỷ vật, hình ảnh bằng chiếc xe cổ của chiến sỹ biệt động Trần Văn Lai…

Nhưng bảo tàng sẽ không hoạt động được nếu không có doanh thu. Hơn thế, không dễ kéo người trẻ đến xem di tích. Nghĩa cho rằng, cần phải kết hợp bảo tàng và cà phê, nơi có thể “check-in”.

Cuối năm 2017, bộ phim Cô ba Sài Gòn được công chiếu và hiệu ứng từ sự kiện này khiến giới trẻ đua nhau tìm đến phong cách Sài Gòn những năm 1969.

Đây là lực đẩy khiến Nghĩa có thêm nhiệt huyết triển khai mô hình quán cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn tại căn nhà di tích một thời.

Khi mô hình tại Đặng Dung  đi vào ổn định, cậu sinh viên 18 tuổi đã thuyết phục ba mẹ cho mượn tiền để mở thêm 2 quán tại 2 di tích trên đường Trần Quang Khải và Võ Văn Tần.

Đam mê phải ra tiền

Có thể đam mê bất cứ lĩnh vực nào, nhưng để chứng minh mình thật sự đam mê, thì phải kiếm ra tiền từ đó. Trần Trọng Nghĩa có triết lý kinh doanh rất rõ ràng khi khai thác các dấu tích, câu chuyện lịch sử.

Việc thiết lập bảo tàng thông minh, tương tác trực tiếp đầu tiên trong chuỗi tại Trần Quang Khải cũng bắt đầu từ triết lý này. Nhờ vào mối hợp tác thông qua người quen quản lý khu tương tác công nghệ mới JP Word (tại một trung tâm thương mại tại quận Thủ Đức), Nghĩa kết hợp cùng đối tác chụp lại 6 mặt của các hiện vật, dựng hình ảnh 3D để chiếu lên tường hoặc dùng kính VR để xem, tương tác.

Tuy nhiên, để đầu tư, Nghĩa cần có tiền, nhưng ba đồng ý, mẹ lại không vì chi phí lớn. Nghĩa quyết định ghi nợ để mua các công cụ công nghệ với cam kết hoàn trả sau 2 tháng.

Kết quả, 4 tháng doanh thu từ các quán cà phê và bán vé tham quan bảo tàng đã đủ hoàn lại chi phí đầu tư. Không chỉ có doanh thu, Bảo tàng còn phối hợp với các hãng lữ hành như Saigontourist, Vietravel và Fiditour tổ chức tour "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn" 2 lần mỗi tuần.

Tuy nhiên, dịch bệnh khiến số tour giảm mạnh…

“Chúng tôi đang củng cố lại nội dung các thước phim trong bảo tàng. Đối tượng khách hầu hết là các cô chú cựu chiến binh, đoàn thanh niên các trường, nhưng tôi tin, công nghệ 3D, hiện vật không lồng kính sẽ thu hút sự quan tâm nhiều hơn từ các bạn trẻ”, Nghĩa chia sẻ đầy tâm huyết.

Không dừng lại ở mô hình bảo tàng lịch sử, Nghĩa đang theo đuổi dự định mở quán cà phê Harry Potter ứng dụng công nghệ tạo hiệu ứng ma thuật và một studio, may thiết kế cổ phục Việt Nam… Vẫn theo triết lý, đam mê, nhưng phải kiếm ra tiền.

Rất có thể, dự án này vẫn chưa phải là đam mê cuối của chàng sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang thế hệ 10x như Nghĩa.

Chat với Trần Trọng Nghĩa

Kinh doanh có phải là áp lực với Nghĩa không?
Tôi đang đứng giữa việc không có khách, nhân viên phải cắt giảm và mong mỏi từ ba mẹ. Nhưng đã quyết tâm thì phải tìm giải pháp. 18 tuổi, tôi thiếu kinh nghiệm, nên sẽ không giải quyết việc 1 mình mà sẽ tư vấn ba mẹ, các cộng sự của ba mẹ…

Việc kinh doanh đầu tiên của Nghĩa là gì?
Chính là quản lý quán cà phê ở Đặng Dung. 5 tháng đầu, ba mẹ cho phối hợp với bạn ba để quản lý và sau đó mới giao khoán tôi phụ trách đến nay.

Giao khoán là như thế nào?
Tôi như một người làm công, tiền lương phụ thuộc vào doanh thu các quán. Lúc này, nếu không nhờ lợi thế các mặt bằng này của thế hệ trước để lại, mà phải đi thuê thì có lẽ các đam mê của tôi cũng sẽ phải đóng cửa. Tôi cám ơn ba mẹ mình đã cho mình cơ hội để được đam mê.
Tin liên quan
Tin khác