Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh thường gặp trong số các bệnh đường tiêu hóa. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh.
ThS.BS.CKI Đoàn Hoàng Long, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết trào ngược dạ dày thực quản có xu hướng gia tăng, nhất là ở người có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh.
Không ăn uống điều độ, uống nhiều rượu bia và nước có ga, nằm ngay sau ăn có thể gây trào ngược dạ dày thực quản. |
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi của Bệnh viện này cho hay trong 6 tháng đầu năm tiếp nhận hơn 40.000 lượt thăm khám, trong đó hơn 12.000 người bị trào ngược dạ dày ở nhiều mức độ, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cứ 4 người đến khám thì có một trào ngược dạ dày thực quản. Không ít trường hợp mắc bệnh do lối sống thiếu khoa học.
Trào ngược dạ dày thực quản do nhiều nguyên nhân. Trong đó, các yếu tố không thể thay đổi như tuổi tác, giới tính hoặc di truyền. Thói quen thường ngày như dùng nhiều thức ăn nhanh, chất kích thích, đồ uống có ga, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia là những yếu tố ảnh hưởng.
Các yếu tố như ít vận động, nằm ngay sau khi ăn, thường xuyên căng thẳng cũng thúc đẩy trào dạ dày thực quản khởi phát hoặc gia tăng.
Bác sỹ Long giải thích thói quen ăn uống không lành mạnh, sinh hoạt và vận động không khoa học gây áp lực cho trương lực của cơ thắt thực quản, lâu ngày khiến cơ vòng thực quản yếu đi, đóng mở bất thường là điều kiện cho axit dạ dày trào ngược mất kiểm soát.
Ăn uống mất cân bằng còn dẫn đến tăng cân quá mức làm tăng áp lực và thể tích trong bụng, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thắt thực quản dưới. Đây là yếu tố nguy cơ gây ra thoát vị khe thực quản.
Cuộc sống hiện đại bận rộn dễ khiến nhiều người căng thẳng, stress kéo dài. Lúc này axit dịch vị điều tiết quá mức, cùng với hoạt động co bóp của dạ dày diễn ra mạnh khiến cơ tâm vị (cơ trơn ngăn cách giữa thực quản và dạ dày) mở rộng, axit dễ dàng trào ngược lên.
Stress còn gây rối loạn chức năng tiêu hóa, thức ăn tồn đọng trong dạ dày sản sinh hơi làm tăng áp lực khiến tâm vị mở ra gây trào ngược dịch vị.
Như chị N., 37 tuổi, đang là Trưởng phòng Kế toán của một doanh nghiệp. Do công việc bận rộn hầu như không có thời gian tập thể dục, cân nặng tăng mất kiểm soát. Mấy tháng nay, chị bị ợ nóng, đắng miệng, đau tức vùng thượng vị (trên rốn), khàn giọng và ho kéo dài, tưởng mắc phổi nhưng uống thuốc ho mấy tháng không khỏi.
Bác sỹ chẩn đoán chị Ng. bị chứng trào ngược dạ dày thực quản gây ho dai dẳng. Nguyên nhân chủ yếu là do lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học, áp lực công việc, theo bác sỹ Long. Sau ba tháng uống thuốc kết hợp thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh, giảm áp lực công việc, các triệu chứng của chị cải thiện rõ rệt.
Khoảng 20-80% người bệnh không phát hiện tổn thương trên nội soi”, bác sĩ nói thêm rằng dễ bỏ sót hay gây nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. Bệnh gây triệu chứng khó chịu như ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn, nôn, đau họng, khàn tiếng, ho, đau tức vùng thượng vị (trên rốn).
Để chẩn đoán bệnh này cần có các xét nghiệm chuyên sâu như đo PH và trở kháng thực quản 24h. Dựa vào số cơn trào ngược, bản chất cơn trào ngược, thời gian thực quản tiếp xúc với dịch axit… bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị là dùng thuốc hoặc phẫu thuật kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động khoa học, duy trì cân nặng hợp lý. Các triệu chứng có thể cải thiện dần và khỏi bệnh hoàn toàn.
Để phòng tránh, bác sỹ Long khuyến cáo không để tăng cân quá nhiều, không ăn quá no, không dùng các chất có cồn, chia nhỏ bữa ăn (4-5 bữa mỗi ngày), không nên nằm ngay sau bữa ăn.
Người bị trào ngược dạ dày do stress cần cân đối công việc và tham gia các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí để giảm căng thẳng, lo lắng. Tinh thần thoải mái giúp tăng hiệu quả điều trị.
Trường hợp thay đổi lối sống và điều trị nội khoa 3-6 tháng không hiệu quả, bác sĩ cân nhắc phẫu thuật nội soi hoặc nội soi ngã miệng tạo van chống trào ngược.