Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn (thứ hai trái sang) và Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường (thứ 2 từ phải sang) chủ trì Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, trong những năm gần đây, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được quan tâm, đẩy mạnh, đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực. Hệ thống giao thông và các loại hình giao thông được quan tâm đầu tư mới và chú trọng hơn về sự đồng bộ, tính kết nối, liên thông...
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, hạ tầng kỹ thuật Vùng ĐBSCL vẫn chưa đạt được yêu cầu phát triển như mong muốn và nhìn chung vẫn còn là một điểm nghẽn cho sự phát triển của toàn Vùng.
Cụ thể, tỷ lệ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng theo quy hoạch còn thấp; tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của Vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; hệ thống cơ tầng kỹ thuật Vùng còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu…
Nhận thức đúng vai trò, vị trí của Vùng ĐBSCL trong yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, cũng như vai trò quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng cũng như ảnh hưởng do tồn tại, hạn chế của hệ thống kết cấu này đối với sự phát triển của Vùng, Đảng và nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về chiến lược vĩ mô, các chủ trương, chính sách trọng tâm cho phát triển ĐBSCL.
Cụ thể, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, để các định hướng, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển hạ tầng kỹ thuật vùng ĐBSCL nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội toàn Vùng nói chung nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực, hiệu quả như mong muốn, không thể thiếu sự đóng góp, chung tay của trực tiếp các chính quyền địa phương trong Vùng, các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
“Các ý kiến trao đổi, thảo luận, tham luận tại Diễn đàn ngày hôm nay sẽ góp phần quan trọng để Bộ Xây dựng và các Bộ ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách cho phát triển Vùng ĐBSCL cũng như cải thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách Vùng hiện có trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại Diễn đàn. |
Liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường nêu một thực trạng đáng buồn khi vùng ĐBSCL chiếm 12,8% diện tích cả nước, dân số chiếm 18% cả nước, sản lượng lúa chiếm trên 50% cả nước, GDP chiếm khoảng 12% cả nước.
Tuy nhiên, GRDP bình quân đầu người của Vùng thấp hơn mức bình quân chung cả nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, thiếu các hạ tầng quan trọng làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng như: Chưa có cảng đầu mối; chưa có trung tâm logistics lớn cấp Vùng; hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp thiếu và lạc hậu; một số địa phương trong Vùng còn là vùng trũng y tế, giáo dục của cả nước.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ bày tỏ: “Việc tìm ra những giải pháp khả thi, tạo động lực phát triển bền vững cho TP. Cần Thơ nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung, kết nối khu vực với các tỉnh phía Nam luôn là một đòi hỏi cần thiết và cấp bách, cần có sự hỗ trợ của Trung ương và sự phối hợp hỗ trợ của các địa phương. Hy vọng qua Diễn đàn ý nghĩa này, chúng ta sẽ có nhiều thông tin bổ ích về phân tích, dự báo, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan toàn diện về toàn cảnh Bức tranh kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, để từ đó có những giải pháp thiết thực, phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai”.
Ông Phan Hoàng Phương, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) nêu các nhược điểm của kết cấu hạ tầng giao thông ĐBSCL. Đó là, các trục giao thông dọc kết nối và các cầu lớn nội Vùng chưa đầu tư hoàn chỉnh: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An và Mỹ An - Cao Lãnh, đường N1, cầu Rạch Miễu 2 và cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60. Các tuyến trục dọc thường xuyên quá tải và đặc biệt là tình trạng ùn tắc kéo dài trong các dịp lễ, Tết (tại cầu Mỹ Thuận, cửa ngõ TP.HCM)...
Cảng lớn nhất trong Vùng là cảng Cái Cui (Cần Thơ) tiếp nhận được tàu tải trọng 20.000 DWT, tuy nhiên, bị hạn chế của luồng sông Hậu nên chưa khai thác hết công suất. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hiệu quả khai thác còn thấp so với công suất thiết kế.
Chưa có các trung tâm trung chuyển hàng hoá, các ICD tại khu vực các cửa khẩu quốc tế (Vĩnh Xương, Thường Phước, Dinh Bà, Bình Hiệp..) trên hành lang vận tải chính của Vùng. Chưa hình thành được các trung tâm logistics; chưa có các doanh nghiệp có quy mô lớn, giữ vai trò chủ đạo trong Vùng (hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp tại TP.HCM hoặc các địa phương khác); thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các dịch vụ logistics; khả năng liên kết các địa phương, doanh nghiệp trong xây dựng, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics còn yếu...
Từ đó, ông Phan Hoàng Phương đề xuất một số giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, trong đó có giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Theo ông Phương, cần tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài trong dự án tài trợ của 6 ngân hàng phát triển (ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB) thuộc chương trình phát triển chính sách (DPO) và các dự án liên kết vùng của ĐBSCL để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Vùng.
Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí đủ nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách, đặc biệt hệ thống cầu yếu và các công trình gia cố bền vững chống sạt lở, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Thúc đẩy việc huy động các nguồn ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước tập trung vào các dự án, các tuyến đường giao thông chính trong Vùng đồng thời tham gia góp vốn làm tăng tính thương mại của các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Đặc biệt, nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách huy động nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng giao thông; ưu tiên cho khai thác các dịch vụ liên quan dọc tuyến đường bộ (trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, trạm cân xe, quảng cáo, các công trình khác...).
Về giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị vùng ĐBSCL thời gian tới, ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đề xuất cần hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, phù hợp với thông hệ quốc tế.
Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung đối với kết cấu hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Cân đối bố trí đủ nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn...