Thời sự
Triệt tiêu lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ
Mạnh Bôn - 29/05/2017 15:18
Hiếm có dự luật nào như Dự thảo Luật Quy hoạch, bởi cho đến phiên thảo luận cuối cùng trước khi Quốc hội thông qua, tức là chỉ thảo luận về một số ít nội dung còn ý kiến khác nhau, nhưng vẫn có tới 30 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu.
TIN LIÊN QUAN

Song điều này không khiến Ban Soạn thảo và Ủy ban Thẩm tra bất ngờ. Đúng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Quy hoạch - đã nhiều lần chia sẻ, dự luật này có quan điểm đổi mới triệt để, triệt tiêu toàn bộ sự chồng chéo trong quản lý nhà nước, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ và tính cát cứ của các bộ, ngành, địa phương. Với thay đổi lớn như vậy, thì việc tồn tại nhận thức khác nhau, chưa thực sự đồng thuận cũng là lẽ bình thường.

Dưới góc nhìn của người chịu trách nhiệm chủ trì thẩm tra Dự thảo Luật Quy hoạch, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, TS. Nguyễn Đức Kiên cũng bình luận rằng, rất dễ hiểu khi có một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phản đối Luật Quy hoạch.

.

Theo ông, là bởi luật này không chỉ hạn chế lợi ích nhóm, mà còn góp phần “lôi ra ánh sáng” những lợi ích đang chi phối việc lập quy hoạch hiện nay.

Dù vẫn còn ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, Luật Quy hoạch không còn dừng ở sự cần thiết, mà đã trở thành cấp thiết để khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí, tiêu cực, hạn chế, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội trong công tác lập, thẩm định, tổ chức, điều chỉnh quy hoạch như hiện nay.

Có thể khẳng định, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đang “khổ trăm bề” bởi trong số hơn 19.000 bản quy hoạch hiện hành, thì có tới hơn 7.800 bản có những quy định rất khó thực hiện.

Không thể kể hết nỗi khổ của người dân và doanh nghiệp trước những quy hoạch “lãng mạn”, chồng lấn, mang tính áp đặt, mâu thuẫn nhau...

Đó là việc “ấn định” Việt Nam chỉ có tối đa 150 thương nhân xuất khẩu gạo. Điều này khiến hàng triệu hộ nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm lao đao vì không bán được lúa gạo.

Đó là chợ Long Biên - một chợ đầu mối vô cùng quan trọng cung cấp những mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân Hà Nội tồn tại hàng trăm năm nay, nhưng “vào một ngày đẹp trời” bất ngờ bị đưa vào danh sách phải di dời do không còn nằm trong quy hoạch chợ đầu mối.

Đó là quy hoạch thủy điện hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đến năm 2020 với 10 công trình thủy điện có tổng công suất 1.200 MW đã gây ra tình trạng thiếu nước cho hơn 40.000 người dân cùng hàng chục ngàn héc – ta lúa, hoa màu ở huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang.

Đó là tình trạng trên cùng một dòng sông, bên này quy hoạch trồng lúa cần nước ngọt, bên kia quy hoạch nuôi tôm cần nước mặn, đã dẫn tới sự mâu thuẫn, xung đột, bất ổn trong cộng đồng dân cư diễn ra không hiếm.

Quy hoạch cọc cạch, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu minh bạch, không có sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có quy hoạch, không căn cứ vào nguồn lực đã và đang làm khổ người dân, doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển. Nhưng vì sao vẫn có một số người không muốn thay đổi tư duy?

Đơn giản là vì có quy hoạch là có tiền làm quy hoạch (hiện ngân sách nhà nước đã phải bỏ ra hơn 8.000 tỷ đồng để làm quy hoạch). Có quy hoạch là có dự án và có dự án là… có tiền. Có quy hoạch là có xin - cho, ban phát... Chuyện sốt đất đang diễn ra ở các huyện ven đô TP.HCM là minh chứng rất rõ điều này khi thông tin về quy hoạch bị “rò rỉ”…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết tâm xây dựng Luật Quy hoạch nhằm xóa bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ tình trạng đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và những doanh nghiệp sân sau. Luật Quy hoạch có những nội dung tiếp cận cách làm mới, tư duy mới trong định hướng phát triển quốc gia, vùng, các địa phương, lĩnh vực cho giai đoạn phát triển 2021-2030. Chắc chắn, các đại biểu Quốc hội - những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân, sẽ có quyết định sáng suốt khi biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch dự kiến vào ngày 19/6 tới.

Tin liên quan
Tin khác