Năm 1993, Công ty Kinh Đô thành lập, chỉ là một cơ sở nhỏ sản xuất bánh kẹo. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Tập đoàn Kinh Đô không được đào tạo kinh doanh bài bản, ông cũng chưa tốt nghiệp đại học. Để có thể quản lý tốt doanh nghiệp của mình, ông Thành thường xuyên tham vấn ý kiến các chuyên gia đang giảng dạy tại các trường kinh tế. Năm 2001, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ tổ chức đưa một số doanh nhân sang Mỹ học về tư duy và kỹ năng lãnh đạo trong 3 tháng. Ông Thành đã cùng một số lãnh đạo chủ chốt của Kinh Đô đăng ký khóa học.
Kinh Đô cũng là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ứng dụng các giải pháp quản lý doanh nghiệp chuyên nghiệp. Đến nay, Kinh Đô đã là một thương hiệu nổi tiếng Việt Nam. Chia sẻ bí quyết thành công, ông chủ Tập đoàn Kinh Đô nói: “Ngoài việc phải luôn sáng tạo để phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, thơm ngon, dinh dưỡng, thì người chủ doanh nghiệp phải tự đòi hỏi cao hơn ở chính mình, không ngừng học tập để tiếp cận những tri thức kinh doanh, quản lý hiện đại”.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE), đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ chia sẻ, năm 31 tuổi bà được bố trí vào vị trí lãnh đạo Công ty PNJ, khi kinh nghiệm làm việc còn thiếu, rất bỡ ngỡ trước việc quản lý một doanh nghiệp. Để khắc phục thiếu hụt về kiến thức, bà Dung tranh thủ tự học, tìm các tài liệu của nước ngoài về tham khảo, tham gia nhiều khóa đào tạo ngắn hạn, đồng thời hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp.
“Đến bây giờ tôi vẫn giữ thói quen học tập, một ngày còn làm lãnh đạo tôi vẫn phải học”, bà Dung chia sẻ.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PNJ luôn tranh thủ tự học để nâng cao trình độ quản lý, điều hành công ty |
Hiện PNJ là một doanh nghiệp vàng bạc đá quý hàng đầu cả nước, với vốn điều lệ lên tới hơn 755 tỷ đồng.
Câu chuyện của ông Thành và bà Dung là minh chứng rõ nét cho việc không ngừng học tập nâng cao trình độ của lãnh đạo sẽ ảnh hưởng lớn đến tầm vóc doanh nghiệp.
Theo ông Rex Brown, Phó chủ tịch Zenger Folkman, đơn vị tư vấn phát triển các tổ chức, không chỉ riêng Kinh Đô hay PNJ, liên tục học tập để nâng cao trình độ lãnh đạo là công thức thành công của hầu hết các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Cũng theo ông Rex Brown, có một thông tin khá thú vị là việc nâng cao năng lực lãnh đạo không đồng nghĩa với việc khắc phục điểm yếu của bản thân. “Thay vì cải thiện điểm yếu, các nhà lãnh đạo phải tập trung cải thiện các điểm mạnh. Bạn không cần phải hoàn hảo, chỉ cần hoàn thiện 3 đến 5 năng lực. Đây là nghiên cứu được áp dụng trên toàn cầu”, ông Brown chia sẻ.
Trao đổi những kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp thành công, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mới, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Để thành công, đòi hỏi người lãnh đạo còn phải biết truyền cảm hứng cho những người đi theo mình.
Để làm việc này, chủ doanh nghiệp phải đào tạo được lớp quản lý kế thừa và tự tin khi giao quyền cho các những người này.