Ảnh minh hoạ. |
UBND TP.HCM vừa có Tờ trình số 3447/TTr - UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Đã đủ điều kiện trình, phê duyệt
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết là Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và các tài liệu liên quan đã được giải trình, làm rõ, hoàn thiện theo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành tại Báo cáo thẩm định số 2286/BC- HĐTĐLN ngày 27/3/2024; đảm bảo đủ điều kiện trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo quy định.
Tờ trình này thay thế Tờ trình số 3080/TTr-UBND ngày 4/6/2024 với nội dung tương tự của UBND TP.HCM.
Theo đề xuất của UBND TP.HCM, Dự án có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 (tại lý trình Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 51 km, trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM khoảng 24,7 km và đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3 km.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có quy mô 6 làn xe cao tốc nhưng trong giai đoạn 1 của Dự án, tuyến đường có quy mô 4 làn xe cao tốc, chiều rộng nền đường 25,5m; giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc toàn tuyến.
Tuyến bắt đầu từ đường Vành đai 3 TP.HCM, hướng tuyến cao tốc đi gần song song với đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) và cách Quốc lộ 22 về phía bên phải theo hướng tuyến (về phía Bắc) khoảng 2 km đến 4 km.
Đoạn qua địa phận TP.HCM đến Tỉnh lộ 8, tuyến rẽ phải để tránh Khu quân sự Đồng Dù (tuyến cách kho đạn K75 > 650m) sau đó rẽ trái khoảng Km16+000 tuyến đi song song với đường sắt quy hoạch và đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tuyến đi thẳng đến khu vực Gò Dầu (Km38+700); tại đây rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 370 giao với Quốc lộ 22B khoảng Km41+000, sau đó tuyến tiếp tục rẽ trái với góc chuyển hướng khoảng 600, vượt sông Vàm Cỏ và giao với Quốc lộ 22 tại Km53+850.
Trạm dừng nghỉ trên tuyến (bố trí hai bên tuyến), dự kiến tại khu vực thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Trong dự án xây dựng đường cao tốc chỉ dự kiến vị trí và bố trí chi phí giải phóng mặt bằng. Chi phí xây dựng và chi phí vận hành khai thác trạm phục vụ sẽ được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 409,3ha; sơ bộ tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 566 hộ. Phạm vi giải phóng mặt bằng của Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) sẽ thực hiện giải tỏa một lần theo quy mô 6 làn xe cao tốc.
Tổng mức đầu tư sơ bộ Dự án là 19.617 tỷ đồng, bao gồm: chi phí xây dựng và thiết bị là 9.273 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác (đã bao gồm chi phí chuẩn bị dự án khoảng 45 tỷ đồng) là 695 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật (đã bao gồm chi phí dự phòng) là 6.774 tỷ đồng; chi phí dự phòng khối lượng xây lắp, thiết bị và trượt giá là 1.594 tỷ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng là 1.281 tỷ đồng.
Tại Dự án này, vốn Nhà nước tham gia 9.674 tỷ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư; phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP là 9.943 tỷ đồng (bao gồm 12,45 tỷ đồng chi phí chuẩn bị dự án theo Khoản 1 Điều 73 của Luật PPP được bố trí trước từ nguồn vốn Ngân sách Thành phố và sẽ được nhà đầu tư được lựa chọn hoàn trả), chiếm 50,69% tổng mức đầu tư Dự án.
Làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro
UBND TP.HCM kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo quy định tại Điều 82 Luật PPP trong quá trình kinh doanh, khai thác công trình.
Cụ thể, khi doanh thu thực tế đạt cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính tại Hợp đồng dự án PPP, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần chênh lệch giữa doanh thu thực tế và mức 125% doanh thu trong phương án tài chính.
Việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định tại Điều 50, Điều 51 và Điều 65 Luật PPP và được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần tăng doanh thu.
Khi doanh thu thực tế đạt thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần chênh lệch giữa mức 75% doanh thu trong phương án tài chính và doanh thu thực tế.
Việc chia sẻ phần giảm doanh thu được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện: quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn Hợp đồng dự án PPP theo quy định tại các Điều 50, Điều 51 và Điều 65 Luật PPP nhưng chưa bảo đảm mức doanh thu tối thiểu là 75%; đã được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.
Nguồn vốn dự kiến sử dụng để chi trả phần giảm doanh thu cho Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được huy động từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương.
Cũng tại Tờ trình số 3447, UBND TP.HCM tiếp tục kiến nghị phân chia Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thành 4 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1: đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức PPP (Hợp đồng BOT); tổng mức đầu tư 10.421 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư là 9.943 tỷ đồng chiếm 95,41%; vốn ngân sách Nhà nước là 478 tỷ đồng chiếm 4,59%); UBND TP.HCM là Cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Dự án thành phần 2: đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc; tổng mức đầu tư: 2.422 tỷ đồng; đầu tư theo phương thức đầu tư công; UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua TP.HCM; tổng mức đầu tư là 5.270 tỷ đồng; đầu tư theo phương thức đầu tư công; UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 4: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh; tổng mức đầu tư là 1.504 tỷ đồng; đầu tư theo phương thức đầu tư công; UBND tỉnh Tây Ninh là cơ quan chủ quản.
Về tổ chức thực hiện, UBND TP.HCM sẽ thực hiện đăng tải thông báo mời khảo sát quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 1; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1, Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3; triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần; tổ chức triển khai Dự án theo đúng quy định hiện hành.
UBND tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 4; triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt Dự án thành phần 4 theo quy định hiện hành.
Được biết, tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi được đầu tư hoàn thành sẽgiải quyết cơ bản các vấn đề: - Chia sẻ lưu lượng xe đi vào tuyến Quốc lộ 22, tăng sức cạnh tranh do giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đi - đến TP.HCM; giảm nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng sức hút về du lịch trong vùng, giảm ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, khi hoàn thành cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ liên kết giữa các đường Vành đai TP.HCM (Vành đai 3 và Vành đai 4) với tỉnh 5 Tây Ninh và nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát trong tương lai, phát huy lợi thế các tuyến cao tốc để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; pát triển quỹ đất hai bên tuyến và vùng phụ cận, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.
Ngoài ra, việc đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021.