Việt Nam tham gia vào mắc ca đúng thời điểm vàng?
Hội thảo về định hướng phát triển mắc ca của Bộ NN&PTNT được đặc biệt quan tâm bởi thời điểm này, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang hết sức hào hứng với loại cây trồng mới này và đang mong ngóng muốn biết định hướng của Bộ. Một trong những khách mời quan trọng của Hội thảo sáng nay là Jolyon Burnett, Chủ tịch Hội mắc ca Úc – nước xuất khẩu mắc ca lớn nhất trên thế giới.
Theo ông Burnett, Việt Nam đã lựa chọn thời điểm phù hợp để bước chân vào ngành hàng hạt - là ngành hàng đang tăng trưởng rất mạnh và đang có mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục về giá. Gần 10 năm qua, hạnh nhân tăng gấp đôi về sản lượng nhưng đã gấp ba về giá trị, doanh số hạt óc chó cũng tăng 4 lần. Xu hướng tiêu dùng của người người dân với các loại hạt giàu dinh dưỡng ngày càng tăng. Hạt mắc ca đang trong tình trạng cầu lớn hơn cung, và tồn kho mắc ca thế giới năm 2014 là không có.
Hiện nay, diện tích trồng mắc ca chủ yếu là Úc và châu Phi. Lượng mắc ca chưa tách vỏ tập trung lớn nhất ở châu Phi là 29%, ở Úc là 27%. Trang trại trồng mới chủ yếu ở Trung Quốc, Mexico và tới đây có thể là Việt Nam.
Chuyên gia Úc cho rằng, Việt Nam cần tránh lặp lại sai lầm của Trung Quốc khi trồng mắc ca, đặc biệt cần kiểm soát chặt việc chọn giống cây này |
Về thị trường tiêu thụ mắc ca: 70% lượng mắc ca tách vỏ (mắc ca nhân) được tiêu thụ ở 5 nước: Mỹ, Đức, Úc, Nhật, Brazil. Còn Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất với mắc ca chưa tách vỏ, chiếm tới 90% sản lượng mắc ca toàn thế giới.
Với nhu cầu tiêu thụ mắc ca hiện nay của thế giới, ông Burnett cho rằng, trong vòng 10 năm tới, thu nhập từ mắc ca vẫn sẽ rất tốt.
Riêng về Trung Quốc, theo Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc, diện tích trồng mắc ca tại quốc gia này đang tăng nhanh, song điều đáng lo ở Trung Quốc là chạy theo diện tích, sản lượng nên chưa thực sự chú trọng đất chất lượng mắc ca. Điều này sẽ mang lại nhiều rủi ro trong tương lai.
“Việt Nam cần tránh lặp lại sai lầm như Trung Quốc, cần kiểm soát chặt giống mắc ca, vì cây mắc ca sẽ trồng và cho thu hoạch trong tận 40 năm. Hơn nữa, chất lượng hạt mắc ca phụ thuộc hoàn toàn vào giống đầu vào, không phải nhờ công nghệ chế biến”, ông Burnett nói.
Hiện nay, Úc là quốc gia dẫn đầu về chế biến và tiêu thụ mắc ca trên toàn thế giới, sở dĩ nước này muốn các nước (trong đó có Việt Nam) mở rộng trồng mắc ca là do đất để trồng mắc ca tại Úc ngày càng khan hiếm, trong khi để mở rộng và duy trì thị trường, diện tích và sản lượng mắc ca toàn thế giới cần phải tăng nhanh hơn nữa để cạnh tranh với các đối thủ như hạnh nhân, óc chó, hạt điều…. Giá thuê đất ở Úc là 1000 đô la Úc/ha cộng thêm 30.000 đô la Úc để chăm sóc và sau 30 năm mới thu được lợi nhuận.
90% mắc ca tách vỏ được tiêu thụ ở Trung Quốc
Triển vọng tiêu thụ mắc ca trên thế giới là rất lớn, vì số nước tiêu thụ mắc ca còn ít, dư địa thị trường còn nhiều. Ngoài tiêu thụ dạng hạt, mắc ca còn có thể sử dụng làm đồ ăn nhẹ, dầu ăn, chế biến socola, sản phẩm làm đẹp… Tuy nhiên, trồng mắc ca thành công không phải là điều đơn giản và đòi hỏi chi phí đầu tư lớn.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, mắc ca được coi là cây nữ hoàng, nhưng cũng được mệnh danh là nữ hoàng đỏng đảnh, không hề dễ trồng. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ mắc ca cũng còn nhiều điểm đáng lo.
Thực tế, hơn 20 năm qua, Bộ NN&PTNT đã khảo nghiệm nhiều giống cây song đến năm 2014 mới công nhận được 10 giống mắc ca. Nhiều giống dù trồng ở nước ngoài có hiệu quả cao song về Việt Nam lại có hiệu quả thấp hoặc thậm chí không có quả.
Bên cạnh đó, mắc ca cũng đòi hỏi kỹ thuật bảo quản và chế biến cao. Một ví dụ là Kenya có sản lượng mắc ca tương đương với Úc, song thu nhập từ mắc ca của quốc gia này chỉ bằng một nửa nước Úc. Một lo ngại nữa về thị trường tiêu thụ, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc 90% lượng mắc ca chưa tách vỏ hiện nay phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là điều cần suy nghĩ.
“Ở Việt Nam, nhiều nơi có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với trồng mắc ca, song quy hoạch ngành hàng mắc ca phải đạt được mục đích cuối cùng là hiệu quả cao nhất, muốn vậy, ngoài điều kiện sinh học, sinh thái, thổ nhưỡng thì điều rất quan trọng là phải tính toán được cung – cầu thị trường để có giải pháp đồng bộ về chế biến, bảo quản, hướng dẫn, điều kiện cho bà con nông dân, tránh việc tính toán không kỹ, gây thiệt hại cho bà con và doanh nghiệp. Đồng thời, phải tránh được tình trạng đã lặp đi lặp lại với một số cây khác là được mùa mất giá, vì trên thế giới, nhiều nước đang phát triển nóng về mắc ca. Đặc biệt mắc ca là cây dài ngày, lại yêu cầu bảo quản , chế biến khó khăn hơn nhiều cây khác, vì vậy nếu không tính toán kỹ sẽ tạo hệ lụy lớn, lâu dài. Vì vậy, dù chúng tôi nghiên cứu quy hoạch 3 năm rồi nhưng hiện vẫn phải mời các chuyên gia quốc tế cho thêm ý kiến để xem xét lần cuối cùng. Dự kiến, ngay trong năm nay Bộ NN&PTNT sẽ ban hành quy hoạch phát triển mắc ca”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, từ nay đến năm 2020, lượng giống có chất lượng, có nguồn gốc, đã được công nhận giống chỉ đủ để sản xuất tối đa 10.000ha. Đây là lý do vừa qua, Bộ NN&PTNT có văn bản định hướng các địa phương chỉ trồng tối đa 10.000ha mắc ca từ nay đến năm 2020.
Trước thực trạng tại một số địa phương, người dân mua giống mắc ca không rõ nguồn gốc, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương kiểm soát chặt việc sử dụng giống, đồng thời khuyến cáo người dân chỉ sử dụng giống đã khảo nghiệm để bảo vệ lợi ích của mình. Bên cạnh đó, các địa phương muốn phát triển mắc ca cũng phải gắn với nhà máy chế biến, bởi hạt mắc ca từ khi rụng trong vòng 24 tiếng phải mang vào chế biến, sấy và bảo quản ngay, nếu không sẽ giảm chất lượng.
Theo Bộ NN&PTNT, tuy mắc ca đang trong tình trạng cung không đủ cầu, song các quốc gia như Úc, Nam Phi, Trung Quốc đều có kế hoạch tăng mạnh nguồn cung lên gấp đôi từ nay đến năm 2020. Vì vậy, thị trường tiêu thụ là bài toán phải cân nhắc kỹ.
Trước lo lắng của Bộ NN&PTNT, Hiệp hội mắc ca Úc cho rằng, tuy lượng mắc ca tăng nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường đang mở rộng. Úc cũng cam kết sẽ đứng ra làm nhiệm vụ marketing, mở rộng thị trường tiêu thụ mắc ca cho các nước trồng mắc ca.
Đồng tình với quan điểm kiểm soát giống, ông Burnett cho rằng, Việt Nam không nên chạy theo mở rộng diện tích bằng mọi giá mà phải kiểm soát chặt chất lượng đầu vào (giống). Bởi đối với tiêu thụ mắc ca, chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu.