Dây chuyền lắp ráp xe điện của hãng ô tô BYD tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Theo Nhật báo SCMP, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết trong cuộc họp ngày 6/12 rằng, nước này sẽ đặt mục tiêu thúc đẩy "sự cải thiện tổng thể hoạt động kinh tế" trong năm 2023.
Theo đó, Bắc Kinh sẽ đặt mục tiêu ổn định tăng trưởng, việc làm và giá cả trong năm 2023 sau khi bắt đầu nới lỏng chính sách phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt, vốn đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế trong năm 2022.
Cuộc họp ngày 6/12 của Bộ Chính trị Trung Quốc đưa ra định hướng cho hội nghị công tác kinh tế trung ương vào cuối tháng này và tại đây, Bắc Kinh sẽ đưa ra các ưu tiên kinh tế cho năm tới.
Bộ Chính trị Trung Quốc cũng lưu ý đến tính liên tục trong các chính sách tài khóa và tiền tệ, đồng thời yêu cầu tăng cường phối hợp chính sách và cải thiện việc hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19, theo thông tin cuộc họp do Tân Hoa xã đăng tải hôm nay 7/12.
Giới phân tích quốc tế cho rằng, tuyên bố trên cho thấy lập trường ủng hộ tăng trưởng từ Bộ Chính trị Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 và chuyển trọng tâm sang thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Ông Raymond Yeung, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Australia & New Zealand Banking Group, nhận định: "Nhìn chung, quan điểm trên dường như cho thấy giới lãnh đạo (Trung Quốc - BTV) muốn thúc đẩy nền kinh tế trong năm tới". "Chính phủ (Trung Quốc - BTV) có thể sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP không dưới 5% hoặc thậm chí 5,5%".
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc gần đây đã có các bước đi quan trọng trong việc giải quyết những trở ngại lớn của nền kinh tế, nới lỏng một số biện pháp kiểm soát Covid-19 và công bố một loạt biện pháp giải cứu cho lĩnh vực bất động sản vốn đang gặp khó khăn, theo Bloomberg.
Theo tuyên bố của Bộ Chính trị Trung Quốc, chính sách tài khóa sẽ được duy trì "tích cực" trong năm tới với trọng tâm là nâng cao hiệu quả và rất có thể Trung Quốc sẽ đưa ra biện pháp kích thích kinh tế.
Về chính sách tiền tệ, Bộ Chính trị Trung Quốc kiên định với quan điểm rằng, các biện pháp sẽ phải "thận trọng", đồng thời cho rằng, chính sách tiền tệ cần "có mục tiêu và mạnh mẽ". Điều này trái ngược với thông báo tháng trước của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc rằng, chính sách tiền tệ sẽ trở nên "linh hoạt và phù hợp".
Trung Quốc đánh giá rằng, lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu trong nước. Chính sách công nghiệp sẽ tập trung vào vấn đề phát triển và đảm bảo an ninh gắn với phục hồi chuỗi cung ứng. Về chính sách khoa học và công nghệ, trọng tâm sẽ hướng đến tăng cường khả năng tự lực.
Ông Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu về thị trường Trung Quốc đại lục tại Jones Lang LaSalle, cho biết: "Công việc kinh tế trong giai đoạn tới (của Trung Quốc - BTV) theo dự kiến sẽ tập trung vào khắc phục tình trạng nhu cầu suy giảm".