Quốc tế
Sản xuất công nghiệp Trung Quốc giảm mạnh, chứng khoán Á - Âu vẫn giữ sắc xanh
Đông Phong - 01/12/2022 07:54
Hầu hết các chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đều tăng điểm trong ngày giao dịch 30/11, dù số liệu sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 11 không như kỳ vọng.
Chỉ số PMI chính thức trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt 48,0 điểm trong tháng 11/2022, mức thấp nhất trong 7 tháng qua. Ảnh: Reuters

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt 48,0 điểm trong tháng 11/2022, thấp hơn mức 49,2 của tháng 10. Kết quả chỉ số PMI tháng 11 đánh dấu mức thấp nhất trong 7 tháng qua, theo công bố ngày 30/11 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). Trước đó, các nhà kinh tế dự báo với Reuters rằng chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc sẽ đạt 49,0.

Tiếp tục đà tăng của phiên trước, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng thêm 2% trong giờ giao dịch cuối ngày 30/11 trong khi chỉ số Hang Seng Tech tăng điểm thêm 2,66%.

Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite vào cuối ngày ít biến động và đóng cửa với 3.151,34 điểm, trong khi chỉ số Shenzhen Component nhích nhẹ 0,176% lên 11.108,50 điểm.

Giới chức y tế Trung Quốc hôm qua 29/11 đã công bố các biện pháp khuyến khích tiêm phòng Covid-19 cho người cao tuổi, một chỉ số được coi là quan trọng để mở cửa lại nền kinh tế, đồng thời cho biết họ đang "theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh" khi được hỏi liệu tình trạng bất ổn đang diễn ra có dẫn đến sự thay đổi trong chính sách chống dịch của nước này.

Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 đã đảo chiều và chốt phiên tăng 0,43% lên 7.284,20 điểm sau khi lạm phát của quốc gia này có dấu hiệu chậm lại trong tháng 10/2022.

Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trượt nhẹ 0,21% xuống 27.968,99 điểm, còn chỉ số Topix giảm 0,37% về 1.985,57 điểm.

Trái lại, chỉ số Kospi của Hàn Quốc đảo chiều và tăng 1,61% lên 2.472,53 điểm. Nhìn chung, chỉ sMSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ thị trường Nhật Bản) đã tăng 1,18%.

Chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm trong phiên giao dịch 30/11 khi các nhà đầu tư lạc quan cho rằng Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách phòng chống dịch mềm mỏng hơn và mở cửa trở lại.

Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu đã tăng 0,6% vào lúc 8:03 sáng 30/11. Trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu mức tăng sau khi trượt dốc vào ngày 29/11, trong khi cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận tăng điểm.

Đến nay, chứng khoán châu Âu đã phục hồi khoảng 14% kể từ mức thấp nhất trong tháng 9, với chỉ số Euro Stoxx 50 và chỉ số Dax gia nhập thị trường giá lên trong vài tuần gần đây nhờ sự lạc quan của nhà đầu tư về việc Trung Quốc mở cửa trở lại.

Đáng kể, chỉ số Stoxx 600 đang trên đà tăng của tháng thứ hai mặc dù một số chiến lược gia tỏ ra thận trọng với triển vọng kinh tế do rủi ro xung quanh suy thoái kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Giới đầu tư cũng đang chờ đợi bài phát biểu kèm đánh giá của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về nền kinh tế và thị trường lao động nước này tại một sự kiện do Viện Brookings tổ chức vào ngày 30/11.

Ulrich Urbahn, Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược tài sản tại Ngân hàng Berenberg (Đức) lý giải: "Chứng khoán châu Âu đã phục hồi phần nào nhờ tâm lý đầu tư vào thị trường Trung Quốc được cải thiện sau những biến động hồi đầu tuần".

"Chúng tôi đã vượt qua tâm lý tiêu cực xấu nhất, điều đó có nghĩa là thị trường chủ yếu được thúc đẩy bởi những bù đắp ngắn hạn. Điều này có thể được duy trì nhờ các chiến lược có hệ thống. Tuy nhiên, rất có thể sẽ xuất hiện những trở ngại tiếp theo trong nửa đầu năm 2023 do tình hình lạm phát cao ở châu Âu vẫn kéo dài hơn, khiến nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trở nên phức tạp hơn", đại diện Ngân hàng Berenberg lưu ý.

Tin liên quan
Tin khác