Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thực hiện chính sách tài khóa chủ động trong năm 2024. Ảnh: Reuters |
Đồng nhân dân tệ có chiều hướng tăng nhẹ
Ông Sheng Songcheng, cựu giám đốc thống kê và phân tích tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm 3/11 dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách của nước này sẽ thực hiện chính sách tài khóa chủ động vào năm 2024. Theo đó, Bắc Kinh có thể sẽ có những động thái để ổn định tăng trưởng trong năm tới.
Dự báo của ông Sheng Songcheng được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải trong bối cảnh nền kinh tế này đang nỗ lực lấy đà sau khi gặp khó khăn bởi các biện pháp ngăn chặn đại dịch Covid-19 kéo dài. Trong khi đó, giới quan sát thị trường lo ngại nợ nần nghiêm trọng của các nhà phát triển bất động sản lớn có thể lan sang các lĩnh vực khác.
"Dự báo trong năm tới Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa tích cực, chính sách tiền tệ phù hợp với chính sách tài khóa tích cực, với không gian chính sách tương đối rộng để giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc", ông Sheng trả lời nhật báo chứng khoán quốc gia Shanghai Securities News.
Theo ông Sheng, với lãi suất và lãi suất cho vay cơ bản ở mức thấp, Trung Quốc có nhiều dư địa để cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng hơn là hạ lãi suất.
Tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã lần thứ hai trong năm hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng tính thanh khoản và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Các nhà phân tích đang trông đợi một đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khác vào cuối năm.
Trung Quốc hiện áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trung bình đối với các tổ chức tài chính là khoảng 7,4% sau khi cắt giảm.
Ông Sheng cho biết Bắc Kinh thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất vì chính sách tiền tệ của nước này cần xem xét cân bằng bên trong và bên ngoài.
"Dự báo chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ bước vào thời kỳ ổn định, do đó đồng nhân dân tệ có thể sẽ duy trì xu hướng tăng giá nhẹ nhưng mức tăng vẫn hạn chế", ông Sheng nhận định.
Tăng tốc cải cách các ngân hàng quy mô nhỏ
Các quan chức cấp cao Trung Quốc đã cam kết sẽ hạn chế rủi ro nợ. Ngày 3/11, Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NFRA) tuyên bố họ sẽ đẩy nhanh cải cách các tổ chức tài chính vừa và nhỏ khi tăng cường giám sát lĩnh vực này.
Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã, ông Li Yunze, giám đốc Cơ quan quản lý tài chính quốc gia (NFRA) cho biết, cơ quan này sẽ hợp tác với Cơ quan giám sát tài chính (GAFS) để thắt chặt giám sát ngành tài chính, ngoài thị trường chứng khoán.
Cơ quan quản lý tài chính quốc gia có nhiệm vụ giám sát tất cả các khía cạnh của thị trường tài chính trị giá 57.000 tỷ USD của Trung Quốc, phối hợp cùng các cơ quan khác để tập trung xử lý "những nhân vật chủ chốt" và "các hành vi chủ chốt" đang gây ra rủi ro tài chính lớn và phá hoại trật tự thị trường, bao gồm cả các bên trung gian thứ ba bất hợp pháp.
Ông Li Yunze cho biết Cơ quan quản lý tài chính quốc gia sẽ tận dụng cơ hội hiện nay để tăng cường xử lý rủi ro. Người đứng đầu Cơ quan quản lý tài chính quốc gia cũng khẳng định, cơ quan này sẽ thúc đẩy các tổ chức ngân hàng vừa và nhỏ tối ưu hóa cơ cấu, nâng cao chất lượng và tăng hiệu quả hoạt động.
Cơ quan quản lý tài chính quốc gia sẽ khuyến khích các công ty bảo hiểm quay lại đúng chức năng bảo vệ cốt lõi và hướng dẫn các đơn vị quản lý tài sản, các tổ chức phi ngân hàng và các tổ chức khác tuân thủ chức năng nhiệm vụ của họ.
"Hiện nay, hoạt động thị trường tài chính Trung Quốc nhìn chung ổn định và về tổng thể thì khả năng chống rủi ro tổng thể rất mạnh mẽ", ông Li Yunze đánh giá.
Người đứng đầu Cơ quan quản lý tài chính quốc gia khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn tự tin, có đủ điều kiện và khả năng tăng cường sức bền bỉ thông qua cải cách, giải quyết các vấn đề thông qua phát triển và ứng phó đúng đắn trước thách thức của các loại rủi ro tài chính bằng cách tăng lượng dự trữ".