Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây đã thu hoạch vụ lúa đầu tiên trồng trong nhà kính sa mạc ở tỉnh Hòa Điền, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Tây Bắc - Trung Quốc.
Vì tình trạng thiếu nước, khu vực sa mạc Tân Cương chủ yếu được dùng để trồng bông, lúa mì, và ngô. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trồng lúa trong nhà kính rộng hơn 400 ha tại đây, thông qua việc nhân giống nhanh và ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất.
"Thay vì sử dụng phương pháp canh tác thông thường, lúa được trồng trên khung 3 tầng và được kiểm soát môi trường chính xác trong nhà kính ở sa mạc. Thời gian tăng trưởng của cây lúa cũng giảm một nửa khi chỉ trong 60 ngày đã có thể thu hoạch", Dương Kỳ Xương, người đứng đầu dự án, cho biết.
Theo Viện Nông nghiệp Đô thị Trung Quốc, công nghệ này hỗ trợ quốc gia tỷ dân thực hiện canh tác quanh năm và nhân giống nhanh cây trồng ở các vùng sa mạc. Đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng tự cung tự cấp lương thực, là ưu tiên quốc gia khi biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ và thương mại toàn cầu biến động nhanh chóng.
Sau 5 năm nghiên cứu, đến nay, công nghệ trồng lúa trên sa mạc có thể làm giảm chu kỳ tăng trưởng của lúa khoảng 40% so với lúa được trồng trên các cánh đồng truyền thống.
Nhóm nghiên cứu tận dụng nguồn năng lượng mặt trời dồi dào ở các vùng sa mạc, thực hiện các biện pháp như canh tác không cần đất theo chiều dọc nhiều lớp và kiểm soát nguồn ánh sáng nhân tạo, giúp lúa phát triển từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ trong 60 ngày, thay vì 120-150 ngày.
"Chúng tôi sử dụng giống lúa mới tại địa phương để canh tác bằng công nghệ nhân giống nhanh. Quá trình ươm cây giống mất 15 ngày”, Wang Sen, một thành viên của nhóm nghiên cứu, tiết lộ.
Theo Wang, trong nhà kính, các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng và các điều kiện khác luôn được kiểm soát một cách chính xác. Các nhà nghiên cứu cũng đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của cây lúa bằng cách áp dụng các công nghệ chiếu sáng nhân tạo hiện đại, công thức dung dịch dinh dưỡng đặc biệt và công nghệ thủy canh tiên tiến.
Tuy nhiên, chi phí năng lượng, vận hành và xây dựng luôn ở mức cao. Vì vậy, dự án được phát triển với mong muốn truyền cảm hứng cho nhiều nghiên cứu khoa học Trung Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích các nhà khoa học khám phá các giải pháp khác để “đảm bảo chăn nuôi quốc gia và an ninh lương thực”.
Trong năm 2023, truyền thông Trung Quốc cũng nhiều lần công bố các bước đột phá trong phát triển nông nghiệp ở vùng sa mạc, như thử nghiệm trồng lúa chịu mặn trên sa mạc với năng suất cao hơn giống lúa chịu mặn trồng tại vùng khác; hay công nghệ nuôi trồng thủy sản trên sa mạc, ứng dụng với cá nước ngọt, tôm sú, bào ngư và tôm hùm.