Trụ sở Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM |
Nhận 14,4 tỷ đồng “cảm ơn” vì giúp AIC hưởng lợi trăm tỷ đồng
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố 14 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM).
Trong vụ án này, 14 bị can được xác định đã cấu kết, thông đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 95 tỷ đồng. “Dấu chân” sai phạm và các thủ đoạn của Công ty AIC và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp tục được làm rõ.
Theo đó, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Phó tổng giám đốc Trần Mạnh Hà và Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TP.HCM Trần Đăng Tấn bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Bị can Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354, Bộ luật Hình sự, với cáo buộc đã nhận tổng cộng 14,4 tỷ đồng.
Các bị can khác bị truy tố về một trong các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương Dự án Đầu tư mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm, năm 2015, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM được phê duyệt dự án, trong đó chi phí mua thiết bị là hơn 425 tỷ đồng, rồi được điều chỉnh tăng lên gần 469 tỷ đồng năm 2017.
Dự án này được chủ đầu tư chia làm 3 giai đoạn, bao gồm 10 gói thầu, thực hiện kéo dài từ năm 2015 đến 2019.
Sau khi nắm bắt các thông tin liên quan dự án trên, bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tiếp cận Dương Hoa Xô - khi đó là Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, bày tỏ mong muốn được “tạo điều kiện” để Công ty AIC tham gia thực hiện toàn bộ Dự án và hứa hẹn sẽ “gửi quà cảm ơn”.
Được đồng ý, cấp dưới của Nhàn đã nhiều lần đến gặp, bàn bạc, thống nhất với ông Xô về việc Công ty AIC sẽ xây dựng danh mục thiết bị, “cài” các thông số nhằm bảo đảm cho công ty này trúng thầu và hưởng lợi nhuận tương đương khoảng 40% giá trị mỗi gói thầu.
Để đảm bảo số lợi nhuận trên cho Công ty AIC, Dương Hoa Xô còn thực hiện các thủ tục để được phê duyệt điều chỉnh danh mục thiết bị và thời gian thực hiện dự án, tăng giá trị các gói thầu thêm hơn 40 tỷ đồng.
Trong quá trình tham gia dự thầu, đấu thầu, Công ty AIC cũng bố trí nhiều công ty khác trong hệ sinh thái AIC hoặc thỏa thuận liên danh, làm "quân xanh", "quân đỏ" để đảm bảo trúng thầu.
Ngoài ra, các thẩm định viên và công ty thẩm định giá cũng bị mua chuộc, sử dụng danh mục và đơn giá do Trung tâm Công nghệ sinh học cung cấp (theo định hướng của Công ty AIC) để phát hành chứng thư thẩm định giá, trong khi không khảo sát thị trường, không kiểm chứng thông tin báo giá.
Hệ quả là, Công ty AIC và các công ty được AIC chỉ định đứng tên thay đã trúng 8/10 gói thầu, với tổng trị giá gần 408 tỷ đồng. Hai gói thầu còn lại do Công ty TNHH B.C.E Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Ứng dụng và Phát triển công nghệ NEAD trúng thầu.
Để “cảm ơn” Dương Hoa Xô như đã hứa hẹn, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới là Trần Mạnh Hà và Trần Đăng Tấn nhiều lần gặp trực tiếp để đưa tổng số tiền là 14,4 tỷ đồng.
Không đủ năng lực, AIC “bắt tay” cùng Việt Á và Vimedimex
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng cũng xác định, quá trình thông đồng với chủ đầu tư để trúng thầu, Công ty AIC cũng thỏa thuận cho Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (do Phan Quốc Việt làm Tổng giám đốc), Công ty cổ phần Công nghệ cao Gene Việt (có 10% vốn góp của Công ty Việt Á) tham gia liên danh thực hiện 3 gói thầu, sau đó nhờ Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex đứng tên trúng thầu thay liên danh này.
Do Công ty Gene Việt mới thành lập, chưa đủ năng lực, nên Công ty Việt Á đứng tên liên danh và thực hiện các thủ tục thay, nhưng điều kiện được tham gia là phải đảm bảo giữ nguyên lợi nhuận của Công ty AIC.
Để thực hiện, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh danh mục thiết bị, phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho liên danh Việt Á - AIC.
Tuy nhiên, do vẫn không đủ năng lực, nên Phan Quốc Việt tiếp tục tạo lập thêm “quân xanh” và nhờ Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex làm “quân đỏ” đứng tên gói thầu để đủ điều kiện tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Sau khi trúng thầu, Công ty Việt Á mua thiết bị rồi bán lại cho Công ty Gene Việt và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) theo đúng giá mua. Sau đó, 2 công ty này tiếp tục bán lại cho Công ty AIC và Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex trước khi bàn giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.