Cuộc hội ngộ nơi phố biển
Một chiều mùa Thu, ngồi trên chuyến bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng để gặp lại những thành viên của Đoàn công tác số 5 thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 tháng 4/2024, trong tôi trào dâng sự xúc động, mong ngóng đến nghẹn ngào.
Chuyến hải trình thăm biển đảo đã đưa chúng tôi đến vùng đất thiêng của Tổ quốc với bao khoảnh khắc đáng nhớ, ngọt ngào và thiêng liêng. Tôi nhớ đến cháy lòng tiếng hiệu lệnh trên tàu KN390, khuôn mặt rám nắng của các chiến sỹ Hải quân và bữa ăn đầm ấm trên tàu, hay những giây phút thăm đảo nghĩa tình giữa cái nắng cháy da, cháy thịt.
Hải trình thăm biển đảo, đến vùng đất thiêng của Tổ quốc đã lưu lại bao khoảnh khắc đáng nhớ, ngọt ngào và thiêng liêng. |
Nghĩ đến phút giây được gặp lại những người anh, người chị, người em, người bạn trong đoàn công tác đã cùng nhau dạo bước khắp đảo chìm, đảo nổi, cùng hát vang trên boong tàu, lau cho nhau giọt nước mắt nức nở khi không được lên Nhà giàn DK1, hay những bàn tay không nỡ rời nhau trong ngày tạm biệt, tim tôi một lần nữa rung những nhịp đập yêu thương, chân tình và nồng ấm.
Đặt chân đến Đà Nẵng - thành phố biển đẹp mơ màng dưới ánh hoàng hôn rực đỏ, tôi bỗng thấy bước chân nhẹ bẫng, cái cảm giác chạy như chân không chạm đất. Tranh thủ hít hà vị mặn mòi của biển, cảm nhận tiếng gió táp vào mặt dịu nhẹ, xa xa là âm thanh tiếng sóng biển xô bờ ngọt nhẹ, cùng hình ảnh những con thuyền neo đậu của ngư dân tạo thành bức tranh đẹp bình yên, làm tan biến những mỏi mệt từ chuyến đi. Tôi như đứa con xa xứ háo hức được trở lại vòng tay ấm áp, yêu thương của gia đình mình.
Khi tới nơi diễn ra cuộc gặp mặt, những khuôn mặt thân quen xuất hiện trước mắt tôi. Đó là ánh mắt rắn rỏi của chú Trần Văn Liên - người cựu chiến binh đặc công nước từng nhiều lần bơi vượt Hải Vân, đánh chìm tàu địch; là khuôn mặt cô giáo Nguyễn Thị Thúy rạng ngời niềm vui dù vẫn đằng đẵng nỗi nhớ người chồng thân yêu đang công tác tại đảo Sơn Ca; là chị Nguyễn Thị Anh Thi, Trưởng đoàn công tác Đà Nẵng với nụ cười hiền hậu, cùng nhiều khuôn mặt trân quý khác.
Giữa tiếng cười nói rộn ràng nơi hội trường, những cái ôm nồng ấm, cái bắt tay thật chặt, tiếng huyên náo những câu chuyện kể về Trường Sa đang rộn ràng, thì âm thanh ca khúc “Sức sống Trường Sa”, “Bâng khuâng Trường Sa“ vang lên, khiến không khí hội trường như lắng xuống. Mọi người khựng lại cùng bao hoài niệm ùa về. Cuốn kỷ yếu về Trường Sa trên tay mỗi người như một bảo vật đưa mọi người về miền ký ức xưa.
Hải trình thăm biển đảo, đến vùng đất thiêng của Tổ quốc đã lưu lại bao khoảnh khắc đáng nhớ, ngọt ngào và thiêng liêng. |
Đọc ngấu nghiến cuốn kỷ yếu về Trường Sa, tôi đặc biệt ấn tượng với bài thơ của anh Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Đà Nẵng, bởi trong bài thơ ấy có tên của 75 thành viên trong đoàn công tác Đà Nẵng thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Những câu thơ chân thật, giản dị và sâu sắc về kỷ niệm, cảm xúc Trường Sa khiến ai đọc cũng nở nụ cười hạnh phúc.
Cầm trên tay cuốn kỷ yếu, mỗi người trong chúng tôi như ôm vào lòng cả một bầu trời thương nhớ. Đọc những dòng chữ sinh động ấy, tôi nghĩ rằng, tình yêu đồng chí, đồng đội, tình yêu biển đảo, yêu Trường Sa phải lớn thế nào mới giúp anh Minh viết nên những dòng thơ chan chứa tình cảm yêu thương đến như vậy.
Cuộc gặp mặt chỉ là nơi nối dài những gắn kết yêu thương trong cuộc sống thường ngày. Những người trên cùng chuyến tàu KN390 ngày ấy tuy xa, nhưng lại rất gần, bởi chúng tôi vẫn trò chuyện, tâm sự, chia sẻ với nhau về công việc, cuộc sống và giúp đỡ nhau khi cần. Những khó khăn, hay niềm vui của mỗi thành viên trong đoàn đều được thông báo để mọi người sẻ chia.
Kể với tôi về những ngày sau chuyến đi, chị Lương Thị Đào, hiện công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Đà Nẵng nói rằng, những ngày thăm đảo là quãng thời gian, là kỷ niệm mà cả đời chị không bao giờ quên. 4 tháng sau ngày ấy, khi nhận được giấy mời gặp mặt, chị đã háo hức cả tuần, chỉ mong sớm đến ngày hội ngộ.
Chị nói rằng, tham gia chuyến hải trình, nhiều chị em trong đoàn bị say sóng, bị mệt do sức khỏe yếu. Khi đó, các anh trong đoàn đã hỗ trợ rất nhiều, giúp chị em vượt qua những nhọc nhằn và có được những trải nghiệm đáng quý cùng chiến sỹ và ngư dân Trường Sa.
“Tình người trong gian khó, tình đồng nghiệp, tình bạn vẫn còn mãi từ đảo xa về đất liền để từ đây, tôi và các thành viên đã có những gắn kết nhau trong cuộc sống, đồng thời có hoạt động thiết thực hướng về Trường Sa, hướng về cộng đồng, cũng như thổi tình yêu biển đảo quê hương tới gia đình, bè bạn”, chị Đào chia sẻ.
Trong không khí đầm ấm của cuộc gặp mặt, anh Trương Minh Hải (Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng) vui vẻ kể với tôi về “tinh thần Đà Nẵng”. Anh nói trong sự xúc động rằng, mối tình Trường Sa là một sợi dây kết nối vô cùng đẹp đẽ, thiêng liêng để mọi người gần nhau hơn, để trong công việc, cuộc sống thêm điều thuận lợi, dễ dàng yêu thương và giúp đỡ nhau, cùng lan tỏa tình yêu biển đảo, ý thức về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tới mọi người.
Còn trong mắt người cựu chiến binh đặc công nước ngày ấy, thì cuộc hội ngộ nơi phố biển thực sự là một ngày đặc biệt. Là người lính Hải quân trong thời chiến, được đến Trường Sa trong thời bình và được gặp lại những gương mặt đi thăm Trường Sa hôm nào, với chú Trần Văn Liên, thực sự không còn may mắn nào hơn.
Trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ, chị Nguyễn Thị Anh Thi, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng đoàn công tác của đoàn Đà Nẵng xúc động nói: “Trường Sa mãi mãi trong tim người Việt Nam, là vùng đất thiêng ngút ngàn trên biển Đông, nơi cha ông ta đổ bao máu xương để gìn giữ. Và khi đặt chân đến Trường Sa, mỗi người trong chúng ta hiểu được hơn ý nghĩa hai từ chủ quyền dân tộc, từ đó có những hành động thiết thực hướng về Trường Sa thân yêu”.
Là một trong hơn 300 thành viên của Đoàn công tác số 5, Đại tá Đoàn Bảo Anh, Phó tư lệnh Hải quân Vùng 3 cũng không giấu được xúc động, khi kể về những ân tình của đất liền với Trường Sa. Theo lời Đại tá Đoàn Bảo Anh, nhiều người trong đoàn công tác sau khi ra thăm Trường Sa đã có những kết nối, hỗ trợ rất hiệu quả cho quân và dân trên các đảo.
Đơn cử, ngay sau chuyến ra thăm đảo, các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tổ chức hoạt động khám chữa bệnh tình nguyện cho chiến sỹ và người thân chiến sỹ.
“Những bài hát sâu lắng về Trường Sa, những thước phim xúc động, những bài báo truyền cảm hứng, những tấm ảnh thấm đẫm mồ hôi cũng là những món quà vô giá của người dân gửi tới cán bộ, chiến sỹ Hải quân chúng tôi, là hành trang để chúng tôi chắc tay súng gìn giữ biển đảo quê hương”, Đại tá Đoàn Bảo Anh nói.
Trường Sa thật đặc biệt khi kéo gần lại những con người vốn xa lạ để trở nên thân thiết |
Trường Sa - mối tình bất diệt
Gặp bác Trần Văn Liên, người cựu chiến binh Hải quân tại TP. Đà Nẵng không phải là lần đầu với tôi sau chuyến công tác Trường Sa, bởi trước đó, tôi và bác đã có duyên gặp gỡ tại quê tôi - mảnh đất Hà Nam yên ả.
Có thể nói rằng, hai chữ Trường Sa thật đặc biệt khi kéo gần lại những con người vốn xa lạ để trở nên thân thiết. Bác Liên đang sinh sống tại Đà Nẵng, ra Nam Định thăm lại bạn chiến đấu ngày xưa, nhưng vẫn không quên gọi cho tôi, cô phóng viên mà bác gặp ở Trường Sa. Khi được biết tôi đang ở quê, bác không ngần ngại đường xá xa xôi mà thuê xe từ Nam Định lên Hà Nam chỉ để gặp lại, hàn huyên về câu chuyện cũ rồi lại vội vàng lên Hà Nội cho kịp chuyến bay về Đà Nẵng.
Gặp lại bác sau một khoảng thời gian và vượt qua khoảng cách địa lý xa xôi, cảm xúc khi ấy trong tôi là bản chất người lính cụ Hồ, dù ở thời nào vẫn vẹn nguyên tinh thần không ngại gian khó. Dù tuổi đã cao, dù xa xôi cách trở về địa lý vẫn không ngăn được bước chân người cựu chiến binh thăm lại cô cháu nhỏ mà bác hay gọi thân thương là “con”.
Trường Sa trong tôi, ngoài tình cảm quý trọng với bác Liên, còn là sợi dây kết nối gia đình với hai người chị thân thương. “Tam nương Trường Sa” - cái tên được chúng tôi gọi nhau sau chuyến hải trình từ Trường Sa trở về.
Chị Nguyễn Thị Thu Quỳnh - giảng viên chính Khoa Đóng tàu (Trường đại học Hàng hải Việt Nam), chị Vũ Thị Thanh Lanh - chuyên viên chính cơ quan Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và tôi - cô phóng viên đã bước vào lứa tuổi trung niên, nhưng vẫn được các chị chăm bẵm trên tàu, từ ngày rời Trường Sa đã trở thành chị em “cây khế”.
Ba con người với ba tính cách, nghề nghiệp, vùng đất khác nhau bỗng trở nên thân thiết, chia ngọt sẻ bùi từ công việc đến cuộc sống, bởi đơn giản, chúng tôi cùng có một tình yêu bất diệt với Trường Sa. Chúng tôi lại có thể trò chuyện thâu đêm, suốt sáng mà chủ đề chính vẫn chỉ là về Trường Sa, về Hải quân, về biển đảo.
Chúng tôi đã vượt hàng trăm km đường xá xa xôi để chỉ gặp nhau trong chốc lát, ăn cùng nhau bữa sáng, uống cốc trà cúc mát lành để ôn lại kỷ niệm cũ. Chúng tôi cũng không ngại trời nắng chang chang giữa trưa hè miền Bắc để dắt díu nhau đi hái sen, “sống ảo”, cùng nhau nói những câu chuyện không đầu, không cuối về những ngày ở Trường Sa và thường kết luận một câu là “nhớ quá!”.
Tôi và hai người chị thân thiết cũng hẹn với nhau một ngày gần nhất ra đảo, có thể không phải là quần đảo Trường Sa, thì cũng là những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc như đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ, hay bất kỳ nơi đâu, bởi chỉ cần có nhau, tiếng cười sẽ vang xa. Tôi hạnh phúc vì giờ đây, sau mối tình Trường Sa, tôi có thêm tình cảm gia đình, tình chị em, tận hưởng niềm vui được nhân ba và giọt nước mắt dù rơi khi nào cũng được lau vợi.
Câu “út ơi” mà chị Quỳnh gọi mỗi khi cần hoặc động viên tôi cố gắng khi biết tôi phải thức đêm viết bài hay chạy ngược xuôi đưa tin như một liều thuốc tinh thần khiến tôi thêm động lực.
Những món quà nhỏ xinh từ “chị đại” Thanh Lanh mỗi lần đi công tác về gửi cho “gái út” cũng khiến tôi cười vui hớn hở như em bé được mẹ đi chợ về cho quà. Tình cảm của chúng tôi là vậy, giản dị, chân thành, nhưng sâu sắc.
Tận sâu trong trái tim mình và trong trái tim các thành viên của Đoàn công tác số 5 sẽ luôn biết ơn và trân quý chuyến hải trình này, một chuyến đi mang thêm người bác, người anh, người chị đáng kính và trên hết là tình cảm yêu thương vô bờ bến tới các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc để có được sự toàn vẹn lãnh thổ hôm nay.
Những cuộc gọi điện hỏi thăm sức khỏe của các chiến sỹ Hải quân hay những thành viên trong đoàn công tác từ ngày trở về từ Trường Sa như một âm thanh ngọt ngào trong cuộc sống vốn bình lặng của tôi.
Trường Sa trong tim tôi, trong tim mọi người của Đoàn công tác số 5 là hai chữ thiêng liêng được viết bằng ngọn lửa của tình yêu, sự tự hào và nhiệt huyết chưa bao giờ tắt. Trường Sa-Tổ quốc nhìn từ biển và chúng tôi nhìn về nhau.