Thời sự
Tuột hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn thịt vào tay Thái Lan
Thùy Liên - 17/01/2015 10:18
() Câu chuyện mất hợp đồng xuất khẩu 50.000 tấn thịt cho thấy, ngành chăn nuôi còn phải đổi mới công nghệ rất nhiều.  
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Masan mua 100% cổ phần Saigon Nutri Food
Cửa hàng Lotteria số 1 Núi Trúc vi phạm ATTP
Nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất của 5 ngành
Chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Rùng mình 'công nghệ' nấu mỡ bẩn, bì lợn thối ở Hưng Yên

Tại buổi họp báo giới thiệu triển lãm VIV Asia 2015 vừa diễn ra, đại diện Cục Chăn nuôi đã nhìn thẳng vào những yếu kém hiện nay của ngành chăn nuôi.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), năm 2015 là năm đánh dấu những mốc lịch sử quan trọng cho ngành chăn nuôi và thủy sản Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực ASEAN và thế giới khi trở thành thành viên chính thức của các hiệp định tự do thương mại quan trọng như ASEAN, TTP…

Thị trường xuất khẩu thịt rất rộng song không dễ "mở"

Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường. Hiện ngành chăn nuôi trong nước chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, trước đây phải nhập khẩu song hiện đã cung ứng đủ cho thị trường trong nước và có thể hướng tới xuất khẩu.

Một số sản phẩm chăn nuôi Việt Nam có thể mạnh, có thị trường tiêu thụ và có thể đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới là trứng vịt muối, thịt lợn (nhất là lợn sữa), mật ong, thức ăn chăn nuôi và sữa (Vinamilk).

"Hiện thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam rất rộng mở, vấn đề là Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu về chất lượng hay không", ông Tống Xuân Chinh nhận xét.

Ông Chinh lấy vị dụ, cuối năm 2014 vừa qua, Nga đã cử một phái đoàn sang kiểm tra các trang trại chăn nuôi của Việt Nam với ý định nhập khẩu thịt sang Nga. Tuy nhiên, các DN trong nước đã không đạt được yêu cầu rất cao mà phía Nga đưa ra. Vừa qua, Nga đã ký hợp đồng nhập khẩu 50.000 tấn thịt lợn của Thái Lan.

Từ câu chuyện để tuột hợp đồng xuất khẩu thịt lợn sang Nga, ông Chinh thẳng thắn cho rằng, điểm yếu của ngành chăn nuôi hiện nay là chăn nuôi chưa bền vững, giá trị gia tăng thấp, yếu tố ứng dụng công nghệ cao còn thấp, quản lý còn bất cập... Đặc biệt, công nghiệp chế biến, giết mổ của Việt Nam còn rất yếu kém, trong khi đây mới là khâu tạo giá trị gia tăng cao.

Chính vì vậy, ông Chinh cho rằng, tham gia VIV 2015 là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp và những người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cập nhật những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với bạn bè quốc tế cũng như tìm kiếm các đối tác trong sản xuất kinh doanh khi ASEAN trở thành ngôi nhà chung và là một phần của thế giới.

Được biết, VIV Asia là Triển lãm quốc tế lớn nhất Châu Á về chuyên ngành chăn nuôi, thủy hải sản, chế biến thịt, trứng, sữa - được tổ chức 2 năm 1 lần. VIV Asia 2015 sẽ diễn ra vào ngày  11–13/03/2015 tại Trung tâm Triển lãm và Thương mại quốc tế Bangkok (BITEC), Bangkok, Thái Lan do công ty VNU Exhibitions Europe tổ chức. Dự kiến, sự kiện này sẽ thu hút khoảng 900 công ty đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 35.000 khách tham quan là các chuyên gia và người mua trên khắp thế giới.

VIV Asia 2015 nằm trong tuần lễ kinh doanh nông nghiệp - thực phẩm châu Á "Agri-Food Business Week Asia" tại Bangkok. Công ty tổ chức triển lãm VNU Exhibitions Europe tham gia tuần lễ này với 3 triển lãm thương mại quốc tế:  VIV Asia từ 11 - 13 tháng 3, Horti Asia và Agri Asia (về công nghệ làm vườn và máy móc nông nghiệp) tại BITEC từ 17 - 19 tháng 3, 2015.

Cục triển lãm và hội nghị Thái Lan (TCEB) cho biết, nhằm khuyến khích DN Việt Nam tham dự, TCEB sẽ hỗ trợ cho các đoàn khách Việt Nam (trên 10 người) khi đến tham dự triển lãm Horti Asia 2015: 100 USD/1 khách.

 

Tin liên quan
Tin khác