Tỷ giá bán ra tại ba “ông lớn” ngân hàng đều đã tiến đến mức trần quy định. Tại Vietcombank, tỷ giá USD đã tăng 120 đồng/USD mỗi chiều, lên 24.960 đồng /USD (mua chuyển khoản) và 25.300 đồng /USD (bán ra). Ở chiều bán ra, tỷ giá USD tại VietinBank và BIDV lần lượt là 25.301đồng /USD và 25.299 đồng /USD.
Ngày 12/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày ở mức 24.096 đồng/USD, tăng 14 đồng/USD so với ngày niêm yết trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá được phép giao dịch trong khoảng từ 22.892 đồng/USD đến 25.300,8 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo giữa đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước ngày 12/4 ở mức 23.400 đồng/USD (mua vào) và 25.250 đồng/USD (bán ra). Dù không thay đổi ở chiều mua vào, tỷ giá bán ra đã vọt lên hơn 50 đồng/USD.
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá ngân hàng đã tăng 3,6%. Cũng phải nói thêm rằng, sau một thời gian khá dài, tỷ giá USD tại các ngân hàng mới quay trở lại trạng thái “tăng kịch trần”.
Tại các ngân hàng thương mại có vốn tư nhân, tỷ giá bán ra thấp hơn và vẫn còn khoảng cách 10-40 đồng so với mức trần quy định. Tuy nhiên, do duy trì chênh lệch tỷ giá mua – bán thấp, tỷ giá USD mua chuyển khoản tại nhiều nhà băng đã vượt mốc 25.000 đồng/USD.
Tỷ giá USD tại ngân hàng và trên thị trường tự do đều đang neo cao trên vùng đỉnh lịch sử - Nguồn: SSI Research |
Tỷ giá biến động mạnh phiên 15/4 sau một tuần tăng mạnh của đồng đôla. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo sức mạnh đồng bạc xanh với rổ 6 tiền tệ mạnh đã tăng tới 2,6% tuần trước và hiện tiếp tục đi ngang quanh mốc 106 điểm.
Theo thống kê của SSI Research, tuần qua, các đồng tiền chủ chốt đều giảm mạnh so với USD như JPY (-3,3%), EUR (-2,2%) hay GBP (-2,4%). Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức mạnh đồng USD cũng là tâm điểm của giới đầu tư quốc tế tuần qua là số liệu lạm phát của Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng toàn phần và cơ bản đều tăng cao hơn dự báo, thị trường đánh giá thận trọng hơn tốc độ Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Biến động các đồng tiền trong tuần từ 8/4 - 12/4 - Nguồn: SSI Research |
Công cụ giám sát biến động lãi suất FedWatch của CME Group cho thấy đã có sự thay đổi đáng kể trong dự báo của các nhà giao dịch về khả năng Fed giữ nguyên/ hạ lãi suất trong kỳ họp tháng 6/2024 ngay sau thời điểm công bố số liệu CPI. Tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 6 có thời điểm gần 85%, nay giảm nhẹ còn 77,6% nhưng vẫn là khả năng được kỳ vọng xảy ra lớn nhất.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirect, việc thị trường giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của Fed trong năm 2024 từ 3 lần về còn 1-2 lần khiến xác suất một số ngân hàng trung ương lớn (tiêu biểu là ECB) cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed đang tăng lên. Giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá.