Ông đánh giá thế nào về áp lực tỷ giá hiện nay?
Theo tôi, áp lực tỷ giá trong năm nay khá lớn, bởi các lý do sau: USD trên thế giới tăng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản USD, với lộ trình 3-4 lần trong năm nay, điều này đã khiến USD tăng giá khá nhanh. Từ đầu năm đến nay, chỉ số USD đã tăng hơn 3%, có nghĩa là các đồng tiền khác trên thế giới đang bị mất giá so với USD ở mức từ 2-3%.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng |
Mặt khác, áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm nay cũng ở mức độ cao hơn các năm trước. Theo dõi kỹ, chúng ta có thể thấy, từ đầu năm đến nay, đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 2% so với USD. Để ổn định thị trường ngoại tệ và kiểm soát linh hoạt tỷ giá, với mức tăng không quá cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiên định chính sách tỷ giá trung tâm, từ đó, tạo tâm lý tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân.
Vậy cụ thể tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ ra sao?
Về cơ bản, quan hệ cung - cầu ngoại tệ vẫn ở mức tương đối tốt. Tất nhiên, áp lực tỷ giá vẫn còn tăng như tôi đã phân tích ở trên. Đặc biệt, ở thời điểm cuối năm có tính chất mùa vụ, khi nhu cầu thanh toán hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp trong mùa này tăng, nên nhu cầu về ngoại tệ sẽ cao.
USD được dự báo tiếp tục tăng giá trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2018. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khá căng thẳng. Trung Quốc đang dùng công cụ chính sách tiền tệ để giảm đi những tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại. Những yếu tố này cũng khiến áp lực tỷ giá đối với đồng Việt Nam cao hơn. Tuy nhiên, theo tôi, về cơ bản, từ nay đến cuối năm, tỷ giá đồng Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định.
Ông có thể phân tích rõ hơn lý do tỷ giá đồng Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định trước áp lực trên?
Thứ nhất, NHNN vẫn kiên định về chính sách kiểm soát tỷ giá như thời gian vừa qua và đặc biệt, tiếp tục dùng nhiều công cụ để điều hành thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
Thứ hai, quan hệ cung - cầu ngoại tệ vẫn ở mức tương đối tốt, kể cả cuối năm có yếu tố thời vụ, nhưng về cơ bản vẫn ổn định.
Thứ ba, NHNN đang quyết tâm cùng các bộ, ngành để kiểm soát lạm phát, qua đó, giảm áp lực lên tỷ giá.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, tỷ giá đồng Việt Nam vẫn có những biến động nhất định. Nhưng mức tăng tỷ giá trong năm nay chỉ khoảng 2,5-3% và theo tôi, đây là mức có thể chấp nhận được trong bối cảnh nhiều đồng tiền khác trong khu vực đang mất giá mạnh, kể cả nhân dân tệ, trước áp lực tăng giá từ USD.
Có ý kiến đề xuất nên phá giá đồng Việt Nam cao hơn mức 2-3%. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo tôi, cần hết sức thận trọng và cân nhắc.
Thứ nhất, theo tính toán và phân tích của chúng tôi, thì tỷ giá thực của đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 7% so với 21 nước thương mại trên thế giới trong hơn một năm rưỡi vừa qua. Như vậy, nếu chúng ta phá giá tiếp thì đồng Việt Nam mất giá khá nhiều.
Thứ hai, mối quan hệ giữa tỷ giá và xuất, nhập khẩu của Việt Nam hiện nay còn khá lỏng lẻo. Đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam là càng xuất nhiều thì càng phải nhập nhiều, điều đó có nghĩa là, nếu chúng ta phá giá mạnh đồng Việt Nam thì sẽ không hỗ trợ được gì cho xuất khẩu.
Thứ ba, nếu phá giá đồng Việt Nam, chúng ta phải tính đến nhiều mặt, tổng hòa các lợi ích, tác động ra sao đến nền kinh tế, tác động đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vay nợ nước ngoài và kể cả tác động đến lạm phát của Việt Nam, vốn dĩ năm nay đang chịu áp lực lớn…
USD có tăng giá cũng sẽ có sự điều chỉnh lãi suất của các nước trong khu vực và cũng có lo ngại dòng vốn ngoại sẽ chuyển ra khỏi Việt Nam. Song, theo tôi, không nên quá lo lắng về điều này, dòng vốn ngoại sẽ vẫn tiếp tục vào Việt Nam. Vả lại, hiện lãi suất đồng Việt Nam đang ở mức cao, trong khi lãi suất ngoại tệ đang áp dụng là 0%, nên nhiều người đã chuyển từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam để gửi tiết kiệm.
Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để tránh rủi ro khi yếu tố mùa vụ cuối năm đến gần và nhu cầu về ngoại tệ tăng?
Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cần quan tâm hơn đến các rủi ro về tỷ giá. Theo tôi, các doanh nghiệp nên đa dạng hóa các loại tiền tệ để thanh toán, thay vì chỉ có USD. Đồng thời, doanh nghiệp nên phối hợp với ngân hàng để sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đặc biệt là các công cụ phái sinh mà một số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đã dùng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần bám sát thị trường, đa dạng thị trường hơn, bao gồm cả việc đẩy mạnh thị trường trong nước.
Đối với tín dụng ngoại tệ, liệu có tác động lên tỷ giá và cần siết lại, thưa ông?
Với tín dụng ngoại tệ, NHNN tiếp tục gia hạn và đến ngày 31/12/2018 có thể xem xét gia hạn. Tôi cho rằng, việc gia hạn cũng cần tính đến, bởi chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào thế giới và nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp là chính đáng. Nếu chúng ta kiểm soát rủi ro tỷ giá tốt, doanh nghiệp sẽ yên tâm và về lâu dài sẽ chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua - bán dễ dàng hơn. Lúc này, các doanh nghiệp cũng sẽ không đặt nặng vấn đề vay ngoại tệ nhiều như trong thời gian vừa qua.
Trước mắt, chúng ta không nên quá lo lắng về tín dụng ngoại tệ, vì chỉ mới chiếm khoảng 8% trên tổng dư nợ của nền kinh tế. NHNN vẫn tiếp tục kiên định chính sách chống đô-la hóa.