Vàng trong nước bất ngờ lao dốc giảm sâu |
Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 16/12/2024, thị trường quốc tế nhìn chung vẫn khá bình lặng với xu hướng giảm của giá vàng và sự hồi phục của đồng USD trong tuần trước tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước bất ngờ rơi sâu.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng miếng giảm mạnh ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Cụ thể, giá mua vào giảm từ 83,8 triệu đồng/lượng xuống còn 82,6 triệu đồng/lượng, giảm tới 1,2 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá bán ra cũng giảm mạnh tương ứng, xuống 85,1 triệu đồng/lượng.
Tương tự nhưng giảm khiêm tốn hơn, giá vàng nhẫn tại các hãng vàng hầu hết đều giảm quanh 300.000 – 400.000 đồng mỗi lượng. Bảo tín Minh Châu hiện yết mức giá thu mua xuống còn 83,38 triệu đồng/lượng, tương ứng mức giảm 300.000 đồng/lượng. Giá bán ra điều chỉnh xuống 85,08 triệu đồng/lượng, thấp hơn 350.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tiếp tục chịu áp lực giảm, từ 2.647 USD/ounce xuống còn 2.632 USD/ounce, mất 15 USD/ounce trong phiên gần nhất. Dù vẫn ghi nhận một tuần hồi phục nhẹ, giá vàng thế giới đã có xu hướng đi xuống từ giữa tuần, ngược lại với sự mạnh lên của đồng USD. Chỉ số US Dollar Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt đang neo ở mức 106,88 điểm.
Trong khi đó, tỷ giá VND/USD tại thị trường trong nước ghi nhận mức tăng nhẹ. Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.272 VND/USD, tăng 8 đồng so với phiên trước. Tại Vietcombank, tỷ giá mua vào chuyển khoản nhích lên 25.185 VND/USD, trong khi giá bán ra ở mức 25.485 VND/USD, tăng thêm 8 đồng so với ngày hôm qua.
Thị trường vàng và ngoại tệ tuần này đang trong giai đoạn chờ đợi những thông tin quan trọng từ cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 19/12. Với kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sát các tín hiệu từ chính sách tiền tệ và dữ liệu kinh tế Mỹ để đánh giá triển vọng của các thị trường tài chính.
Trong tuần trước, sự hồi phục của đồng USD trong tuần qua đã diễn ra khi loạt ngân hàng trung ương lớn tuần trước vừa có những bước đi đáng chú ý trong lộ trình cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã giảm lãi suất từ 1,0% xuống còn 0,5%. Đây là mức giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ trong bối cảnh áp lực lạm phát cơ bản đã giảm trở lại trong quý này với lạm phát hàng năm giảm và vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 0-2% của SNB. Cùng đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Tuần này, các quyết định lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn như Fed, BoE (Anh), và BoJ (Nhật Bản) sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường. Trong đó, giới đầu tư đặt cược nhiều nhất vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) được kỳ vọng giữ nguyên lãi suất sau đợt cắt giảm vào tháng 11, trong khi Ngân hàng Trung ương Thụy Điển và Na Uy cũng chuẩn bị công bố chính sách lãi suất. Ở châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ họp ngay sau Fed. Dù thị trường kỳ vọng BoJ giữ nguyên lãi suất, theo nhiều chuyên gia, áp lực từ lạm phát gia tăng có thể khiến ngân hàng trung ương này điều chỉnh hướng đi.
Cũng ngay trong tuần, trước khi các quyết định được công bố chính tức, các dữ liệu kinh tế quan trọng tại Mỹ như báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và GDP sẽ cung cấp thêm cái nhìn về triển vọng kinh tế. PCE - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - dự kiến cho thấy chi tiêu cá nhân tăng 0,5%, trong khi thu nhập cá nhân tăng chậm hơn ở mức 0,4%. Dữ liệu này cùng với chỉ số giá sản xuất (PPI) và giá tiêu dùng sẽ cung cấp những tín hiệu quan trọng về hướng đi của chính sách tiền tệ Mỹ trong năm 2025. Ở châu Âu, Eurozone sẽ công bố dữ liệu lạm phát cuối cùng cho tháng 11. Dữ liệu lạm phát của Anh sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, đặc biệt sau những biện pháp cắt giảm lãi suất từ Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).