Tỷ giá VND/USD chưa có biến động nhiều, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát thị trường tiền tệ để ứng phó kịp thời. Ảnh: Đ.T |
Nhiều dư địa can thiệp
Hàng loạt biến động mạnh trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới đã diễn ra ngay tuần đầu tháng 8 như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất USD, Mỹ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhân dân tệ (CNY) giảm giá sâu, Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ... Những diễn biến đang gây lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ nguy hiểm.
Tuy nhiên, ngay sau những diễn biến nóng này, tình hình chưa bị đẩy lên ngưỡng nguy hiểm mới. Trung Quốc đã cam kết với nhà đầu tư không phá giá sâu CNY và đã có một số động thái ngăn chặn đà giảm thêm của CNY. Các quốc gia khác cũng không vội vã chạy theo phá giá đồng nội tệ.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, dù muốn phản đòn với Mỹ, song kịch bản Trung Quốc giảm giá mạnh đồng nội tệ khó diễn ra, vì khi đó dòng vốn ngoại sẽ ồ ạt chảy ra khỏi nước này như đã diễn ra hồi năm 2015.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, dù có một số dấu hiệu, song chiến tranh tiền tệ chưa diễn ra. Thực tế, việc CNY mất giá phần nhiều do yếu tố tâm lý. Trung Quốc sẽ không để CNY mất giá mạnh. Vì vậy, Việt Nam không nên quá lo lắng và vội vàng điều chỉnh tỷ giá.
Hiện NHNN chưa có tuyên bố gì mới về tỷ giá, song các động thái trên thị trường cho thấy, cơ quan này vẫn rất thận trọng. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá biến động chưa đến 1%. Còn tính từ thời điểm Fed giảm lãi suất và CNY mất giá kỷ lục đầu tháng 8 này, tỷ giá trung tâm gần như đi ngang, tỷ giá niêm yết tại ngân hàng thương mại cũng không biến động nhiều.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN đã có nhiều kinh nghiệm điều hành tỷ giá trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh, kể cả biến động về phá giá đồng tiền các nước hay lạm phát. Cách điều hành linh hoạt sẽ tiếp tục thành công trong thời gian tới.
Có rất nhiều yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá: cung cầu ngoại tệ ổn định, trạng thái ngoại tệ của ngân hàng thương mại tốt, dự trữ ngoại hối tăng và đang ở mức kỷ lục, vốn FDI và FII tăng mạnh, xuất khẩu và kiều hối vẫn tăng… Đặc biệt, tỷ giá từ đầu năm đến nay chỉ tăng 1%, có nghĩa dư địa điều chỉnh tỷ giá vẫn còn rất lớn.
Đại diện NHNN cũng cho hay, cơ quan này đang theo dõi sát sao biến động của thị trường tiền tệ quốc tế và đưa ra nhiều phương án đối phó. Điều hành tỷ giá trong thời gian tới không đến mức “khó thở”.
Xuất nhập khẩu với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng
Với các công cụ sẵn có trong tay, cộng thêm kinh nghiệm điều hành dày dạn những năm trước, không mấy khó khăn để NHNN giữ ổn định tỷ giá biến động trên dưới 2% trong năm nay. Câu hỏi đặt ra là, nếu kìm giữ tỷ giá trong bối cảnh CNY và USD mất giá, xuất khẩu của Việt Nam có bị ảnh hưởng?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
Câu trả lời của các chuyên gia là có, tuy mức độ ảnh hưởng cần phải có thêm thời gian để đánh giá. Cụ thể, CNY giảm giá sẽ khiến hàng nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc tràn sang Việt Nam mạnh hơn, gây sức ép với hàng hóa sản xuất trong nước. Còn với các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường khác, hàng Việt sẽ bị “lép vế” với hàng Trung Quốc do giá cả cao hơn. Nếu các nước giảm giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu mà tỷ giá trong nước vẫn neo ở mức ổn định, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó bề cạnh tranh.
Mặc dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, sự ảnh hưởng của CNY mất giá tới xuất khẩu nông sản là không lớn. “Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh, song không phải do tỷ giá, mà là do những nguyên nhân khác”, ông Thắng nói.
Tương tự, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, phần lớn hợp đồng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đều chọn đồng tiền thanh toán là USD. Vì vậy, khi CNY giảm, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều. Thực tế, ở Việt Nam, do cấu trúc nền kinh tế nên chính sách tỷ giá không tác động nhiều đến xuất nhập khẩu. Do đó, điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu cần cẩn trọng.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh mạnh tỷ giá VND/USD trước mắt có thể hỗ trợ xuất khẩu, song tính trong tổng thể bài toán xuất - nhập thì chưa chắc có lợi hay không. Quan trọng hơn, điều chỉnh tỷ giá có thể gây mất ổn định vĩ mô, làm giảm niềm tin vào VND, vào môi trường kinh doanh, làm tăng kỳ vọng làm phát, tăng tâm lý đầu cơ…
Chưa kể, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia khuyến cáo, nếu Việt Nam chạy theo hạ giá tiền đồng, Mỹ có thể đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Khi đó, hậu quả sẽ rất nặng nề. Với những đánh đổi quá lớn, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khả năng NHNN điều chỉnh mạnh tỷ giá thời gian tới là rất thấp.