Ngân hàng - Bảo hiểm
Tỷ giá khó biến động dù Fed nhiều lần điều chỉnh lãi suất USD
Thùy Vinh - 28/03/2018 11:26
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn (HSBC Việt Nam) cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất 3-4 lần trong năm nay. Tuy nhiên, đó là chuyện đã được dự báo trước, không quá bất ngờ với thị trường ngoại tệ Việt Nam và tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định.

Trước hành động tăng lãi suất USD của Fed vừa qua, tỷ giá có chịu áp lực không, thưa ông?

Tỷ giá vẫn ổn định, bởi về nguồn cung, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân sẽ bền vững và gia tăng, mỗi năm đạt khoảng 13-14 tỷ USD. Nguồn kiều hối trên thế giới chảy về Việt Nam cũng tăng trong các năm qua, năm 2018 dự kiến đạt khoảng 10 tỷ USD. Nguồn vốn từ M&A của các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước ước đạt 6 tỷ USD. Việt Nam cũng đang thặng dư thương mại… Các yếu tố này cho thấy, dòng vốn đi vào Việt Nam nhiều hơn đi ra.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn.

Về lý thuyết, tiền đồng sẽ tăng giá so với USD khi Fed tăng dần lãi suất USD, nhưng vì yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu, nên tiền đồng tương đối ổn định những năm qua, thậm chí còn giảm so với đồng tiền của các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2017, khi các đồng tiền trong khu vực tăng khoảng 7% so với USD, nhưng do tiền đồng vẫn ổn định, nên về lý thuyết, tiền đồng yếu đi so với các đồng tiền khác trong khu vực. Các yếu tố này được nhận định sẽ duy trì trong năm 2018 và tiền đồng sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới.

Nhưng Fed đã đưa ra thông điệp tiếp tục tăng lãi suất 3-4 lần trong năm nay?

Fed đã có kế hoạch tăng thêm lãi suất trong năm 2018, dự kiến khoảng 3-4 lần. Nhưng điều này đã được dự đoán trước và thị trường cũng đã quen dần, nên sẽ không có nhiều biến động xảy ra, trừ những biến cố bất ngờ khác có thể xuất hiện. Thực tế, những lần tăng lãi suất trước đó của Fed cũng không quá bất ngờ với thị trường và thị trường cũng không có nhiều biến động.

Trong khi Fed tiếp tục tăng lãi suất USD, tỷ giá VND/USD vẫn được kiểm soát ổn định, đồng thời lãi suất huy động ngoại tệ chỉ còn 0%. Như vậy, nền kinh tế liệu có thu hút được kiều hối cũng như ngăn được tình trạng vốn ngoại sẽ chảy ngược ra ngoài?

Thật ra, đối với các thị trường khác, việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động nhất định đến dòng vốn đầu tư nước ngoài. Bởi vì khi lãi suất USD tăng, đồng tiền của các nước này cũng được điều chỉnh tăng theo, nhà đầu tư bắt đầu tính toán đến chi phí vốn và hiệu quả, nên sẽ xem xét xem tiếp tục ở lại hay chuyển vốn đi.

Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, tỷ giá ổn định, lượng trái phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào không nhiều. Mặc dù thanh khoản thị trường chứng khoán đã tăng trong những năm gần đây, nhưng quy mô thị trường vẫn nhỏ bé so với khu vực, vì vậy, đầu tư nước ngoài vào chứng khoán thường mang tính dài hạn. Ngoài ra, với triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam so với các nước khu vực, nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn về dài hạn hơn là ngắn hạn.

HSBC dự báo như thế nào về tỷ giá đến cuối năm nay, thưa ông?

Chúng tôi vẫn giữ quan điểm dự báo tỷ giá VND/USD nhìn chung ổn định, đến cuối năm 2018 sẽ ở mức 22.900 đồng/USD. Lý do là dòng vốn vào nhiều hơn dòng vốn ra và VND đang yếu so với các đồng tiền trong khu vực, số lượng doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa trong năm 2018 cao hơn năm 2017, kỳ vọng sẽ mang về nguồn ngoại tệ lớn hơn…

Điều đáng lưu tâm ở Việt Nam trong năm 2018 là mục tiêu lạm phát ở mức 4% do gặp áp lực từ giá thực phẩm và giá dầu cao. Đến hết tháng 2/2018, lạm phát của Việt Nam đã là 3,15%. Nếu giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng, lạm phát có thể sẽ vượt mức 4% vào khoảng tháng 6-7/2018. Tuy nhiên, HSBC dự báo, đến cuối năm, lạm phát của Việt Nam sẽ về mức 3,7%.

Tin liên quan
Tin khác