Tiền đồng ổn định
Trong năm 2018, các đồng tiền châu Á giảm giá bình quân 5 - 7% so với USD, trong đó, đồng won của Hàn Quốc giảm 5,07%, peso của Philippines giảm 4,99%, rupiah của Indonesia giảm 6,62%, rupi của Ấn Độ giảm 9,58%, nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 6,43%... Tuy nhiên, tiền đồng Việt Nam (VND) chỉ giảm 2,7% (tỷ giá thị trường) và 1,48% (tỷ giá chính thức). Điều này cho thấy, VND đã tăng giá so với một số đồng tiền khác (tăng 4% do với nhân dân tệ hay 3% so với euro).
Trong năm 2018, nhiều đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh, song tỷ giá USD/VND vẫn khá ổn định. Ảnh: Đức Thanh |
Mặc dù có xu hướng giảm giá từ quý III/2018, nhưng VND tiếp tục ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực do các yếu tố nội tại của nền kinh tế vẫn tốt, như tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 3,54%, thặng dư thương mại đạt 7,2 tỷ USD…
Với tính chất mùa vụ, cầu USD thường tăng mạnh vào dịp cuối năm để phục vụ nhu cầu thanh toán, ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND, song với việc tích cực chủ động sử dụng một số công cụ và chính sách để ổn định thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá đã được kiểm soát tốt.
Nhận định về tỷ giá USD/VND trong thời gian tới, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ ngừng tăng lãi suất sau khi tăng 2 lần nữa trong năm 2019, nên USD sẽ không còn duy trì được xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác trong năm 2019. Vì thế, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng sẽ giảm và VND sẽ quay trở về biên độ điều chỉnh tỷ giá hẹp trong năm 2019, trừ trường hợp đồng nhân dân tệ mất giá mạnh.
Sức ép lên tỷ giá giảm
Fed dự kiến tăng lãi suất ít hơn trong năm 2019 và 2020, lần lượt còn 2 lần và 1 lần, thay vì 3 - 4 lần như thông điệp đưa ra trước đó. Việc giảm tốc độ tăng lãi suất của Fed, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, có cả yếu tố khách quan và yếu tố nội tại.
Cụ thể, trong bối cảnh thương mại, chính trị thế giới có nhiều biến đổi, các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, làm thanh khoản tài chính - tiền tệ toàn cầu ở mức độ căng hơn.
Trong khi đó, tại Mỹ, những gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mà chính quyền ông Trump bơm ra trong năm 2018 sẽ giảm phát huy tác dụng trong 2 năm tiếp theo. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 và 2020 sẽ thấp hơn so với năm 2018, khiến Fed cảm thấy cần giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới.
Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), áp lực lên tỷ giá trong năm tới sẽ giảm do USD được dự báo không tăng nhiều, thậm chí suy yếu hơn, trong khi lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát trong khoảng 4% do hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.
Áp lực lên tỷ giá USD/VND năm 2019 được dự báo giảm do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo.
Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, nếu nhân dân tệ của Trung Quốc không biến động thêm trong thời gian tới, thì tỷ giá USD/VND sẽ khá ổn định. Còn nếu nhân dân tệ phá giá tiếp, thì tỷ giá USD/VND có thể được điều chỉnh thêm trong thời gian tới.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, năm 2019, dù Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, nhưng về cơ bản, tần suất tăng sẽ giảm dần. Trên cơ sở đó, BVSC cho rằng, áp lực đối với VND năm 2019 sẽ không lớn như năm 2018. Tuy vậy, BVSC nhận định, sự thận trọng là cần thiết, nên nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành theo hướng chặt chẽ, khó có khả năng VND được đẩy ra thị trường nhiều như trong nửa đầu năm 2018.