Dự thảo Luật Thoả thuận quốc tế đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9. |
Dự thảo Luật Thoả thuận quốc tế mới nhất quy định việc mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế đến UBND cấp huyện. Đối với UBND cấp xã chỉ mở rộng đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới.
Được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, sau khi tiếp thu, chỉnh lý thêm một bước, dự thảo Luật Thoả thuận quốc tế vừa được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Tại kỳ họp thứ 9, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc không nên mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Một số ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đến cấp huyện, cấp xã thì chỉ nên khoanh lại đối với các huyện ở khu vực biên giới, các xã ở khu vực biên giới và có giới hạn phạm vi lĩnh vực cụ thể được ký kết. Có ý kiến đề nghị chỉ nên mở rộng đến cấp huyện, vì băn khoăn về năng lực, khả năng thực thi của cấp xã.
Tại báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện và UBND cấp xã, trong đó có các xã ở khu vực biên giới thời gian qua đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu, trao đổi văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Ngoại giao từ năm 2007 đến tháng 6/2020, có 874 văn bản hợp tác cấp huyện được ký kết, trong đó có 282 văn bản ký với Trung Quốc, 186 văn bản ký với Lào, 109 văn bản ký với Hàn Quốc, 78 văn bản ký với Hoa Kỳ, 28 văn bản ký với Nhật Bản, 27 văn bản ký với Campuchia, 21 văn bản ký với Đức. Các tỉnh ký kết nhiều văn bản gồm: Cao Bằng (159 văn bản), Quảng Nam (107 văn bản), Sơn La (90 văn bản), Lạng Sơn (55 văn bản), Lào Cai (50 văn bản), Điện Biên (46 văn bản).
Có 101 văn bản hợp tác cấp xã được ký, trong đó 63 văn bản ký với Lào, 10 văn bản ký với Hàn Quốc, 5 văn bản ký với Nhật Bản, 4 văn bản ký với Trung Quốc. Các tỉnh ký kết nhiều văn bản bao gồm: Nghệ An (18 văn bản), Quảng Nam (18 văn bản), Thái Nguyên (17 văn bản), Điện Biên (13 văn bản), Sơn La (12 văn bản).
Từ thực tiễn trên, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật quy định việc mở rộng chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế đến UBND cấp huyện. Đối với UBND cấp xã chỉ mở rộng đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới.
Theo thống kê, Việt Nam có 157 xã có biên giới trên đất liền với CHDCND Lào; 112 xã có biên giới trên đất liền với Campuchia, 159 xã có biên giới trên đất liền với Trung Quốc.
Để bảo đảm phù hợp với năng lực, chặt chẽ về mặt quốc phòng, an ninh quốc gia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật giới hạn một số nội dung UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về việc ký kết thoả thuận quốc tế đối với UBND cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới.
Vẫn liên quan đến bên ký kết Việt Nam, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung chủ thể ký kết thoả thuận quốc tế gồm Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.