Thời sự
Ứng phó khẩn cấp với hạn, mặn tại ĐBSCL
Phú Khởi - 17/02/2016 17:11
Kết luận tại Hội nghị phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào sáng 17/2, tại TP. Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc ngay để phòng chống hạn, mặn; giảm thiệt hại do hạn, mặn gây ra đến mức thấp nhất cho người dân và đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia.

Hạn, mặn diễn ra sớm và nghiêm trọng hơn

Ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, thông lệ hàng năm thì hạn mặn chỉ xuất hiện từ tháng Giêng trở đi, nhưng năm nay ngay từ tháng 12, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập sâu vào nội đồng với độ mặn có thời điểm lên đến 7-8 phần ngàn. Xâm nhập mặn đã làm  340.000 ha lúa bị ảnh hưởng, có nguy cơ mất trắng, gây thiệt hại rất lớn. Theo ông Nhịn, đây là lần đầu tiên trong đời ông mới thấy một đợt xâm nhập mặn khủng kiếp như thế. Hạn mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn gây khó khăn cho người dân vì không có đủ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, điều này  đã từng xảy ra vào nùa khô năm 2015.

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang ví von: Năm nay địa phương bị xâm nhập mặn “giáp công” từ hai hướng. Nếu như các năm trước, xâm nhập mặn chỉ từ phía biển Đông thì năm nay, các cửa sông đổ ra biển phía Tây cũng bị nước mặn xâm thực. Địa bàn Châu Thành, Ngã Bảy hàng năm không bao giờ bị nhiễm mặn, ấy thế mà năm nay nước biển cũng đã len lỏi tới rồi. Tại các vùng thường xuyên bị nhiễm mặn thì nồng độ mặn cũng tăng ở mức báo động. Theo ông Chánh, nếu không kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó thì có nguy cơ 50% diện tích sản xuất  bị ảnh hưởng.

“Khô hạn thì khi có nước tưới sẽ tái sản xuất được, nhưng khi đất nhiễm mặn thì phải mất 10 năm để khôi phục sản xuất”, ông Chánh cảnh báo.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phòng chống hạn, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, do ảnh hưởng của El-Nino năm 2015 nên mùa mưa đến muộn nhưng kết thúc sớm, tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20-50%. Mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Mùa khô năm 2015-2016, do thiếu nước ngọt, mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hằng năm (sớm hơn 2 tháng), khả năng kết thúc muộn hơn (1 tháng), xâm nhập sâu vào ĐBSCL.

Dự báo tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 sẽ đến sớm, sâu và khả năng kéo dài đến hết mùa khô nếu không có mưa. Các vùng cách biển 25-45 km, từ giữa tháng 2 đến ngày 22- 25/2 có khả năng lấy được nước ngọt vào thời kỳ triều thấp, từ cuối tháng 2 trở đi các vùng này nguồn ngọt giảm nhiều và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và nước sinh hoạt. Tại khu vực ĐBSCL hiện nay đã có gần 400.000 ha lúa bị ảnh hưởng, ước thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phát kiến nghị Phó thủ tướng cho phép các địa phương thực hiện cơ chế ứng vốn để đầu tư các công trình bức xúc về phòng chống xâm nhập mặn, đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp để phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn như ban hành kế hoạch hoặc phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó có các giải pháp cụ thể cho từng vùng, tiểu vùng.

Dốc toàn lực cho phòng chống thiên tai

Tại hội nghị, các địa phương trong vùng cũng đã kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời bố trí nguồn vốn đủ lớn để các địa phương đủ sức triển khai các giải pháp căn cơ, trung dài hạn cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ sự đồng tình ủng hộ các địa phương trong ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện các giải pháp, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Thứ trưởng Hiếu thông tin,l Chính phủ đã đồng ý bố trí 1.000 tỷ đồng cho các dự án phòng chống, ứng phó thiên tai và dự kiến trong tháng 3, Bộ sẽ trình Chính phủ thông qua gói kinh phí 2.300 tỷ đồng phục vụ cho các dự án về phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 46 công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn này. Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng đồng tình, khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, do đó kiến nghị Chính phủ cần có chính sách đầu tư trung và dài hạn cho khu vực với mức hợp lý và có trọng điểm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt của vùng. Các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ về tình hình nghiêm trọng hiện nay để chủ động đề ra giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Cần có bước đi, lộ trình cụ thể và tầm nhìn dài hạn để xử lý vấn đề, như tăng vốn đầu tư, sử dụng ngân sách hiệu quả, kịp thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của toàn dân.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên kinh phí cho Nam Trung Bộ và ĐBSCL để chống hạn, xâm nhập mặn; các Tỉnh ủy đều có chỉ thị hoặc nghị quyết chỉ đạo vấn đề này đến các cấp đảng ủy, chính quyền và nhân dân; xây dựng và ban hành Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của xâm nhập mặn; dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho các hoạt động phòng chống xâm nhập mặn; các địa phương tập trung chăm lo đời sống cho nhân dân với phương châm không để người dân đói, thiếu nước, dịch bệnh do hạn hán; vận hành, điều tiết công trình thủy lợi hợp lý nhất với các biện pháp cụ thể của từng địa phương; Bộ Tài chính cân đối ngân sách hỗ trợ cho khu vực ĐBSCL ngay sau hội nghị này.

Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan đã có những chỉ đạo quyết liệt việc triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn hán.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4/2/2016 chỉ đạo, đôn đốc các địa phương về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng phòng chống hạn, xâm nhập mặn.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 32/CĐ-TW ngày 12/10/2015 về tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ NN&PTNT ban hành Chỉ thị số 8718/CT-BNN-TCTL ngày 23/10/2015 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino; Chỉ thị số 1316/CT-BNN-TCLN ngày 03/2/2015 về việc triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tin liên quan
Tin khác