Doanh nghiệp
Ưu đãi thuế “thông minh” hơn để hút vốn đầu tư nước ngoài
Nguyên Đức - 15/11/2019 08:40
Mỗi năm, Việt Nam thất thu 50.000 tỷ đồng vì ưu đãi thuế kéo dài. Tính toán này của Tổ chức Oxfam khiến dư luận không khỏi giật mình. Nhưng thực tế, Việt Nam vẫn cần có những chính sách ưu đãi thuế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề là, làm sao để dịch chuyển chính sách một cách khôn ngoan hơn.
Sản xuất tại Công ty Điện tử UMC Việt Nam (Hà Nam). Ảnh: Đức Thanh

Nên bỏ ưu đãi thuế?

Một con số đáng chú ý vừa được Tổ chức Oxfam công bố cách đây ít ngày. Đó là vì ưu đãi thuế kéo dài, Việt Nam mỗi năm thất thu 50.000 tỷ đồng, tương đương 1% GDP. Đây là số tiền đủ xây 25 bệnh viện 1.000 giường.

“Việt Nam nên loại bỏ bớt các chính sách ưu đãi thuế”, ông Johan Langerock, chuyên gia về chính sách thuế của Oxfam khuyến nghị.

Cũng theo ông Johan Langerock, Oxfam tin rằng, Việt Nam có thể loại bỏ các ưu đãi thuế mà “không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh quốc gia”.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, Oxfam đề cập  “cuộc đua xuống đáy” về thuế của nhiều quốc gia. Cũng không phải lần đầu tiên, Oxfam khuyến nghị các quốc gia chấm dứt cuộc đua xuống đáy này.

Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ tài chính) đã nhiều lần cho rằng, đó không thể coi là các khoản “mất đi”, mà phải được tính là “chi phí cơ hội”, nhằm giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.

Hơn nữa, theo ông Phụng, khoảng 10 năm gần đây, sau khi được rà soát, điều chỉnh, các ưu đãi thuế đã giảm rất mạnh.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, 10 - 20 năm trước, nếu không có những ưu đãi thuế đó, thì không biết các nhà đầu tư nước ngoài có đầu tư vào Việt Nam hay không.

“Nếu họ không đầu tư thì liệu Việt Nam có đạt được các chỉ tiêu kinh tế như hiện nay?”, đặt câu hỏi như vậy, ông Nguyễn Đức Thành đã bày tỏ quan điểm rằng, mặc dù ưu đãi thuế gây giảm thu ngân sách, nhưng nên coi đó là chi phí cơ hội, bởi nếu không có ưu đãi thuế sẽ không thu hút được đầu tư, và vì thế, Việt Nam khó đạt được các mục tiêu tăng trưởng cao như trong thời gian qua.

Thực tế, tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, đầu tư nước ngoài đã đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội Việt Nam và ưu đãi thuế là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết để hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những bất cập trong ưu đãi thuế cũng đã bắt đầu nảy sinh, khi còn hiện tượng ưu đãi tràn lan, chưa trúng mục tiêu, trọng điểm…

Chính vì vậy, trong quá trình rà soát, tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh, cần nghiên cứu chuyển đổi chính sách ưu đãi đầu tư từ thiên về ưu đãi cho các dự án có quy mô vốn và lao động lớn, sang các dự án có giá trị gia tăng, sử dụng công nghệ hiện đại, ưu đãi các dự án có tính lan tỏa, kết nối được doanh nghiệp trong nước… Đồng thời, chuyển ưu đãi đầu tư từ địa bàn sang ngành, lĩnh vực, theo hướng ngành nào, lĩnh vực nào cần thu hút đầu tư nhiều thì phải có chính sách ưu đãi nhiều…

Thông minh hơn khi lựa chọn chính sách ưu đãi đầu tư

Ông Nguyễn Xuân Thành (Trường đại học Fulbright) là một trong những chuyên gia đã đề cập khá nhiều đến việc Việt Nam cần thay đổi chính sách ưu đãi đầu tư. “Thông minh hơn” là cụm từ đã được ông Thành sử dụng để đề xuất việc Việt Nam cần dịch chuyển chính sách ưu đãi đầu tư.

Trong Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ được giao xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các Dự án lớn, Dự án trọng điểm quốc gia.

Theo ông Thành, Việt Nam đã xác định động lực tăng trưởng tới đây dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, do đó, nên có nhiều ưu đãi cho lĩnh vực này. “Có thể giảm thuế thu nhập cá nhân cho lực lượng nhân sự làm công nghệ, hay đưa ra các ưu đãi về thuế đối với các nhóm nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D)”, ông Thành đề xuất.

Trên thực tế, sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang xây dựng định hướng chiến lược mới trong thu hút nguồn vốn này. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 50 và cả Nghị quyết số 52 về hợp tác đầu tư nước ngoài trong thời kỳ mới và về chiến lược quốc gia cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là sẽ có thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư…

“Đây là lần đầu tiên, những vấn đề này được đề cập một cách cụ thể, dù từ trước tới nay, chúng ta đã có những định hướng như vậy. Cần thiết phải cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, các thể chế vượt trội này trong các văn bản luật sắp được sửa đổi, bổ sung, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói.

Thông tin cho biết, trong Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ được giao xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia. Cùng với đó, cũng có chính sách thu hút đầu tư cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền, lĩnh vực…

Trong khi đó, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo kết quả đầu ra, như mức độ tham gia chuỗi giá trị, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, trách nhiệm xã hội...

Còn Bộ Công thương sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu…

Điều quan trọng, cơ chế hậu kiểm cũng sẽ được thực hiện một cách nghiêm ngặt để đảm bảo mọi ưu đãi đầu tư có hiệu quả, chất lượng, không ưu đãi một cách tràn lan, không có chuyện “đua xuống đáy” như dư luận quan ngại lâu nay.

Tin liên quan
Tin khác