Đầu tư và cuộc sống
Ưu tiên đầu tư cho giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, tầm nhìn đến năm 2045
Hưng Anh - 04/01/2025 09:31
Phó thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển

Nhấn mạnh phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò động lực then chốt để phát triển đất nước. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực khác, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia, đóng góp cho phát triển giáo dục.

Tiếp tục chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, đặc biệt là năng lực đổi mới và sáng tạo của người học. Thực hiện tốt nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển giáo dục tầm nhìn đến năm 2045.

Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập và học thường xuyên, học suốt đời. Phát triển giáo dục bảo đảm cân đối về số lượng, chất lượng; hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề.

Chủ động hội nhập quốc tế và tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để hiện đại hóa giáo dục.

Thăng hạng ở các cấp giáo dục, lọt top Đông Nam Á và thế giới 

Nhấn mạnh yếu tố đầu tư cho giáo dục bởi trong kế hoạch, Việt Nam đặt mục tiêu ít nhất 05 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 05 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.

Đối với giáo dục thường xuyên, phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 99,15%; trong đó tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi từ 15 - 60 ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 98,85%. Có 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Triển khai mô hình thành phố học tập trên toàn quốc; có ít nhất 50% huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận danh hiệu huyện/thành phố học tập và 35% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận danh hiệu tỉnh, thành phố học tập. Phấn đấu có 10 đơn vị hành chính tham gia vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030.

Ở các cấp học khác nhau, Việt Nam đều có những tiêu chí thăng hạng để vào top Châu Á và thế giới. 

Giáo dục đại học, số sinh viên đại học/vạn dân đạt ít nhất là 260, tỷ lệ sinh viên đại học trong nhóm độ tuổi 18-22 đạt ít nhất 33%, tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học tại Việt Nam đạt 1,5%; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt ít nhất 40%.

Dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; tỷ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.

Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn.

Phấn đấu 100% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các chu kỳ kiểm định phù hợp.

Với các cấp giáo dục thấp hơn như giáo dục mầm non, phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 38% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo.100% giáo viên mầm non đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.

Phấn đấu tỷ lệ trường mầm non dân lập, tư thục đạt 30%, số trẻ em theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đạt 35%, phấn đấu có trên 65% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Giáo dục phổ thông duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; 75% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; 60% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở đạt 97%; tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ sở đạt 99% và hoàn thành cấp trung học phổ thông đạt 95%; tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên trung học cơ sở đạt 99,5%, từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông và các trình độ khác đạt 95%; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. 100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.

Phấn đấu số cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5% và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phô thông tư thục đạt 5,5%.

Phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông đạt 100%; có 70% trường tiểu học, 75% trường trung học cơ sở và 55% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác