Viễn thông - Công nghệ
“Vắc-xin” chống tin giả và lừa đảo online
Tú Ân - 21/09/2024 09:19
Trong phòng chống lừa đảo trực tuyến, cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cùng sự phối hợp nhanh và mạnh từ nhiều bộ, ngành.

“Bão” lừa đảo, “lũ” tin giả

Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lợi dụng ảnh hưởng của bão Yagi và mưa lớn, lũ quét, ngập lụt sau bão, không gian mạng đã xuất hiện nhiều thông tin kêu gọi từ thiện của những kẻ lừa đảo mạo danh để trục lợi.

Điển hình là, sau bão số 3 và đợt lũ vừa qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều website, trang thông tin lấy danh nghĩa là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để huy động, kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước ủng hộ các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng. Đến nay, đã có nhiều tổ chức, cá nhân chuyển tiền ủng hộ về các trang mạng không chính thức này.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, đây là những website không chính thức, không phải của Ban vận động Cứu trợ Trung ương, nên số tiền ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chuyển đến sẽ không được kiểm soát và không được sử dụng đúng mục đích.

Cũng giống vậy, trên facebook đã xuất hiện fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống, kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Tại tỉnh Quảng Ninh, đã xuất hiện fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh này kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.

Tại quận Ba Đình (Hà Nội), một số đối tượng đã sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão lũ gây ra để giả mạo Hội Phụ nữ các phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực và Trúc Bạch, kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân và lừa chiếm đoạt…

Những ngày mưa to, bão lớn, lũ dâng cao, cũng đã xuất hiện một “làn sóng” tin giả gây hoang mang cho người dân. Điển hình tại Phú Thọ, một số đối tượng sử dụng mạng xã hội để đăng tải thông tin sai lệch về tình hình bão lũ với các tiêu đề như: “Vỡ đập ở Yên Lập”, “Bão lũ ở Hạ Hòa”... Lực lượng chức năng đã xác minh các đối tượng và đang trong quá trình làm rõ hành vi để củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liều vắc-xin hữu hiệu

Trong bối cảnh thiên tai đang xảy ra mà xuất hiện các thông tin gây nghi ngờ thì người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc, đồng thời chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để người dân không bị sập bẫy. Việc phát hiện và báo cáo các trang mạo danh, lừa đảo, tung tin đồn thất thiệt cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát đi cảnh báo người dân khi tham gia không gian mạng cần cảnh giác với hình thức lừa đảo kêu gọi từ thiện để trục lợi và đưa thông tin sai lệch. Trước khi quyết định ủng hộ, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi và xác minh tính xác thực của thông tin. Khi muốn chia sẻ khó khăn với đồng bào các vùng ảnh hưởng thiên tai, người dân nên quyên góp, ủng hộ qua cơ quan, đơn vị uy tín, minh bạch để đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ thông tin và Truyền thông), Bộ đang duy trì hoạt động của Trung tâm Xử lý tin giả. Hệ thống website tingia.gov.vn của Trung tâm Xử lý tin giả đã tiếp nhận 45 trường hợp tin giả và chuyển sang cho các cơ quan chức năng để điều tra và xử lý.

Không chỉ ở cấp bộ, ngành trung ương, hiện đã có 9 địa phương trên cả nước thành lập bộ phận chuyên trách xử lý tin giả. Thời gian qua, bộ phận này đã góp phần quan trọng vào việc phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương để đưa ra cảnh báo và bác bỏ các thông tin thất thiệt nhằm trấn an dư luận. Các địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Giang cũng nhanh chóng vào cuộc xử lý tin giả và cảnh báo lừa đảo trục lợi từ bão, lũ.

“Người dân cần cảnh giác, tìm hiểu thông tin qua báo chí chính thống hoặc qua chính quyền địa phương. Nếu không, chúng ta có thể vô tình trở thành người phát tán tin giả, vi phạm pháp luật mà không hay biết”, bà Huyền khuyến nghị.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) nhấn mạnh, trong phòng chống lừa đảo trực tuyến, cần có sự vào cuộc đồng thời của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cùng sự phối hợp nhanh và mạnh từ nhiều bộ, ngành. Đặc biệt, phải coi việc tuyên truyền là giải pháp quan trọng hàng đầu và lâu dài, thường xuyên.

“Chúng ta phải xác định, nhận thức và kỹ năng của người dân chính là lá chắn mạnh mẽ nhất. Mỗi người dân cần là một chiến sĩ trên không gian mạng, tích cực tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng và bảo vệ những người xung quanh mình trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến”, ông Sơn chia sẻ.

Từ tháng 3/2024 đến tháng 8/2024, Bộ Công an và các ngành chức năng đã vô hiệu hóa hơn 400.000 website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Trong tháng 8/2024, NCSC đã phát hiện 55 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên mạng. Trong đó, chủ yếu là mạo danh các ngân hàng, sàn thương mại điện tử, bảo hiểm, cơ quan nhà nước.

Tính đến tháng 6/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ngăn chặn 12.818 web/blog vi phạm, trong đó 3.170 website lừa đảo trực tuyến; bảo vệ hơn 10,981 triệu người dân không truy cập các website lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Tin liên quan
Tin khác