Gần nửa thế kỷ trôi qua, những khói súng, bom đạn của một thời máu lửa đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng âm vang của niềm vui, niềm tự hào vẫn mãi song hành cùng đất nước, cùng mỗi người dân Việt Nam. Nhìn lại cuộc chiến không cân sức giữa một cường quốc và một dân tộc nghèo khó ngày ấy, rất nhiều sử gia đã có chung nhận định, ý chí của một dân tộc kiên cường, bất khuất, truyền thống gắn kết muôn người như một khi dân tộc đứng trước nguy cơ tồn vong đã đưa thắng lợi đến với bên yếu thế. GS-TSKH, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về chủ đề “sức mạnh văn hóa của một dân tộc”.
GS-TSKH, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang |
Văn hóa - “căn cước” của một dân tộc
Thưa Giáo sư, trong so sánh với sức mạnh khổng lồ của các đế quốc từng xâm lược nước ta, Việt Nam luôn là một dân tộc nhỏ bé, yếu thế, nhưng kỳ lạ thay, chúng ta luôn là bên giành thắng lợi cuối cùng. Phải chăng, nguyên nhân của những thắng lợi đó bắt nguồn từ “chất liệu đặc biệt” biến dân tộc thành một khối thành đồng khi đất nước đứng trước nguy cơ tồn vong và đó là một trong những đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt?
Văn hóa là kết tinh những giá trị của một dân tộc, hay nói cách khác, văn hóa là sáng tạo của một cộng đồng người trong quá trình ứng xử với thiên nhiên, với hoàn cảnh lịch sử vì sự tồn tại của cộng đồng đó. Các nhà nghiên cứu coi văn hóa là “căn cước của một dân tộc”. Gọi như vậy là bởi, không có gì khác hơn, văn hóa là biểu trưng rõ ràng nhất, cơ bản nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.
Trong lịch sử Việt Nam, không chỉ các nhà nghiên cứu Việt Nam, mà cả những nhà nghiên cứu nước ngoài đều nhận thấy “sự kỳ lạ” đến mức khó tìm thấy ở dân tộc khác. Chẳng hạn, các nước Đông Nam Á được thành lập vào khoảng thời gian đâu đó đầu Công nguyên, nhưng trước đó gần một thiên niên kỷ, Việt Nam đã lập quốc do hoàn cảnh đặc biệt trong ứng xử với thiên nhiên và hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.
Rồi thật không may, Việt Nam sớm bị mất chủ quyền vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên và bị đô hộ gần một thiên niên kỷ. Dân tộc đứng trước nguy cơ bị đồng hóa bởi một đế chế hùng mạnh có trình độ phát triển cao hơn hẳn. Tuy nhiên, sự đặc biệt được thể hiện là, sau ngần ấy năm bị đô hộ trong áp lực bị đồng hóa, ngột ngạt trong sự đô hộ, dân tộc Việt một lần nữa trở lại chính mình, trở thành một quốc gia độc lập.
Rồi nữa, thế kỷ XIII, đạo quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới, hung hãn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới lúc đó khiến không một dân tộc nào có thể đứng vững trước vó ngựa của đội quân xâm lược này. Thế nhưng, người Việt đã vững vàng trước cơn sóng dữ, không phải chỉ một lần, mà là 3 lần đánh thắng. Đó là những kỳ tích của một dân tộc.
Điều gì đã tạo nên sức mạnh, khiến cha ông ta làm được như vậy? Người ta từng nói nhiều đến sự thiên tài của các vị tướng lĩnh, các nhà cầm quyền… ngày đó. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng chưa đủ.
Nghiên cứu kỹ có thể thấy, cội nguồn của sức mạnh đó là sự kỳ diệu của một nền văn hóa đã phát triển đến trình độ cao được gọi là “nền văn minh lúa nước”. Các dân tộc phương Bắc đã đem một nền văn hóa khác đến hòng đồng hóa dân tộc này. Bề dày của một nền văn hóa đồ sộ là điều không ai có thể phủ nhận.
Trong so sánh rất chênh lệch đó, câu hỏi được đặt ra là, nền văn minh ấy có thể áp đảo để nuốt chửng nền văn minh lúa nước không? Câu trả lời là không!
Sau khi tích hợp thêm những điều mới mẻ, tinh túy trong quá trình tiếp biến, điểm cốt lõi của nền văn hóa Việt là “tạo nên sự cố kết của cộng đồng, tạo nên khối đại đoàn kết có sức mạnh vô biên của một dân tộc mỗi khi có nguy cơ tới lợi ích cốt lõi của cộng đồng”. Điều đó chẳng những không bị mai một, suy yếu đi, mà những thắng lợi trong các cơn nguy biến của dân tộc cho thấy, “chất liệu đặc biệt tạo nên khối thành đồng trước mỗi cơn nguy biến” dường như đã trở thành những biểu trưng của văn hóa Việt.
Nếu chỉ nhìn từ một phía, có thể thấy, những chiến thắng của dân tộc ta là kỳ lạ. Nhưng nếu quan sát ở một cung bậc cao nhất, rộng nhất, thì đó chính là sức mạnh trường tồn của một dân tộc, văn hóa Việt Nam là tất cả những gì con người Việt Nam sáng tạo ra vì sự tồn vong của dân tộc. Theo tôi, đó là những thể hiện rõ nhất sức mạnh văn hóa của một dân tộc.
Tính từ thời điểm Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay), chặng đường gần một thế kỷ qua, những dấu mốc như chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến, giải phóng hoàn toàn đất nước, đưa non sông về một dải và những thành công sau này trên mặt trận kinh tế, “chất liệu đặc biệt” đều là căn nguyên của thành công. Nhìn lại cả chặng đường gian truân của đất nước, chúng ta càng thêm thấm thía câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), đó là “Văn hóa soi đường quốc dân đi”. Và sau 75 năm, ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “văn hóa còn, dân tộc còn”. Vậy, chúng ta phải làm gì để văn hóa trở thành nền tảng, để dân tộc ta luôn có những lựa chọn sáng suốt trước những biến động của thời cuộc, để đi cùng văn minh nhân loại?
Vào cuối thế kỷ XIX, dân tộc ta thêm một lần nếm trải sự đau thương của người dân mất nước. Nguyên nhân của tấn bi kịch này đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra và vẫn tiếp tục nghiên cứu kỹ càng trên nhiều phương diện. Nhưng về cơ bản, các nhà nghiên cứu đều chỉ ra một nguyên nhân cơ bản là sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa nhân dân và nhà cầm quyền. Nhà sử học Trần Huy Liệu từng nói: “Mất nước ở thế kỷ XIX có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là chính quyền không tin dân, sợ dân hơn sợ giặc”.
Để cứu nước, để phục hồi độc lập dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tìm lại và tìm thấy cội nguồn của sức mạnh chính là ở truyền thống và văn hóa Việt Nam. Vì vậy, ngay từ năm 1941, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước để lãnh đạo cách mạng, một trong những việc làm đầu tiên của Người là biên soạn cuốn “Lịch sử nước ta” và đó là tài liệu học tập cực kỳ quan trọng đối với Đảng, là tài liệu tuyên truyền cốt yếu của cách mạng với nhân dân. Nội dung tuyên truyền không phải để dân ta phải biết sử ta, mà là khơi lại sức mạnh cội nguồn dân tộc. Kết quả là, dù sức mạnh vũ trang còn rất non yếu, nhưng với sức mạnh của cả một dân tộc, chúng ta đã giành được chính quyền năm 1945.
Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đây là sự chuẩn bị vô cùng cần thiết có ý nghĩa quyết định nhằm chuẩn bị hành trang để cả dân tộc bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến.
Không nên nhìn vào tên gọi “Hội nghị Văn hóa toàn quốc” để hiểu là, mục tiêu của Hội nghị chỉ gói gọn trong lĩnh vực văn hóa, mà mục tiêu được Đảng và Bác đặt ra chính là, chúng ta phải làm gì để phát huy sức mạnh trường tồn của dân tộc, sức mạnh đó tiềm ẩn trong văn hóa dân tộc ta. Và một lần nữa, chúng ta trở thành người chiến thắng trong một cuộc chiến, xét về mặt quân sự thuần túy là hoàn toàn không cân sức. Lịch sử lại thêm một lần cho thấy, văn hóa của dân tộc ta là sức mạnh vô địch, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của văn hóa đó.
Văn hóa phải là hồn cốt của dân tộc
Văn hóa không chỉ tạo ra các giá trị tinh thần, mà còn xác lập những giá trị vật chất, các giá trị khác bao quanh nó. Thưa Giáo sư, làm thế nào để “gạn đục, khơi trong”, hạn chế những lạc hậu, thiếu sót, khuyến khích những mặt tích cực, vừa dân tộc, vừa hiện đại để gia tăng các giá trị từ văn hóa Việt?
Như trên tôi đã nói “văn hóa là căn cước của một dân tộc”, luôn luôn hiện hình ở dạng vật thể và phi vật thể. Vật thể là những cái chúng ta có thể nhìn thấy, đó là những di tích, di sản có thể khai thác. Nhưng văn hóa có thể hiện hình dưới dạng phi vật thể, đó là cốt cách của con người, là sở trường của một dân tộc, đó là ý chí, tinh thần được hiện thân ở bất cứ hành động nào của một con người, của một cộng đồng nào đó.
Vì vậy, chúng ta phải phát huy giá trị của những yếu tố văn hóa, truyền thống để làm sao mỗi người dân luôn luôn được trui rèn, được hun đúc nhằm phát huy những truyền thống quý báu đó. Ngay từ ngày lập quốc, quan điểm của Đảng ta đã luôn luôn coi trọng việc làm thế nào để phát huy được giá trị đó và một quan điểm xuyên suốt là, văn hóa là tài nguyên vô tận và vô giá của dân tộc. Đây là quan điểm vô cùng đúng đắn, vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại.
Cũng xin nhắc lại là, năm 2009, Thủ tướng Singapore khi đó là ngài Lý Quang Diệu đã nói, văn hóa và cơ hội là tài nguyên vô tận và vô giá, nếu Việt Nam khai thác được để tận dụng và phát huy được nguồn tài nguyên này, Việt Nam sẽ phát triển hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực. Có thể hiểu thêm ý của ngài Lý Quang Diệu rằng, ngoài những giá trị vốn có tạo nên cốt cách, trí tuệ, hành vi ứng xử, văn hóa Việt còn có đặc trưng để giao lưu, để tiếp biến, đó chính là việc tạo nên cơ hội để một quốc gia phát triển.
Tôi cho rằng, với những định hướng đúng đắn, đó là ứng xử theo cách coi văn hóa là tài nguyên vô giá và vô tận, đó là địa vực của chúng ta, đó là cơ hội vô cùng to lớn đối với quốc gia.
Đảng ta xác định, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Là người làm khoa học có nhiều năm làm công tác giảng dạy và đào tạo, quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?
Thời kỳ sau công cuộc Đổi mới tới nay, chúng ta đã tiến hành hội nhập, giao lưu quốc tế, tiếp nhận đầu tư nước ngoài là vô cùng cần thiết với công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên, nếu chỉ đi học, chỉ giao lưu để có được cái mới, cái hiện đại một cách thuần túy, mà dân gian gọi là “học mót”, tức là không thể biến kiến thức thành cái của mình một cách thực sự, thì tôi cho rằng, kết quả không thể như mong đợi.
Bài học từ các dân tộc đã phát triển lên đỉnh cao nhân loại khiến thế giới ngưỡng mộ cho thấy, họ đã kết hợp văn minh nhân loại nhằm phát huy những gì họ có để tạo lợi thế cạnh tranh. Nói ngắn gọn hơn, trong quá trình giao lưu, hội nhập, chúng ta phải học theo cách của mình, rồi sau khi học được thì làm theo cách của mình, để làm sao, với cốt cách con người Việt Nam đã được trui rèn trong dòng chảy văn hóa dân tộc, với đặc trưng văn hóa Việt, có được “tự tin” và sự tự tin ngày càng tăng lên. Chúng ta tự tin vào sức mạnh nội lực của mình, để trên cơ sở đó biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh, thì khi ấy mới có thể phát triển để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Trong bối cảnh hiện nay, để đất nước hùng cường như mục tiêu Đảng ta đã đề ra, việc khai phóng sức mạnh của người Việt Nam có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Theo Giáo sư, làm thế nào để tập hợp, hướng sức mạnh đó thực hiện được mục tiêu lớn lao nêu trên?
Chúng ta đang trong bối cảnh tận dụng sức mạnh văn hóa để toàn dân thực hiện và thực hiện thành công mục tiêu cao cả được Đảng đề ra. Trước hết, phải có được sự đồng lòng, đó là điều Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”. Khi cả nước đều đồng lòng hướng về lợi ích của dân tộc, sẽ là cách tập hợp lực lượng tốt nhất.
Lịch sử đã chứng minh rằng, mỗi khi đất nước có được sự thống nhất cao độ từ những người cầm quyền đến từng người dân đều vì lợi ích của dân tộc, sẽ là lúc quốc gia cường thịnh. Ngược lại, khi chính quyền chỉ nhìn vào lợi ích của mình, của dòng họ mình, của tập đoàn mình, thì sớm muộn quốc gia ấy cũng tiêu vong.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, triều đại của Hồ Quý Ly không phải không có những cải cách quan trọng có tính chất cấp tiến về kinh tế, chính trị…, nhưng cách nhìn lợi ích dân tộc khác với người dân, một cách nhìn giống như triều Nguyễn sau này đã tạo nên những bài học đau thương cho cả dân tộc. Từ những bài học đó, chúng ta rút ra kết luận là, nếu nhà cầm quyền và người dân không nhìn về một hướng, thì thất bại là tất yếu.
Tôi rất mừng khi thấy tại Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra lời hiệu triệu tới toàn dân để xây dựng một đất nước cường thịnh. Khi lời hiệu triệu ấy thấm vào mỗi người dân, sẽ tạo nên khát vọng, khát vọng sẽ cụ thể hóa được mục tiêu và đó là động lực để mỗi người dân phát huy tối đa những tiềm năng đang có trong mỗi người.
Đúng vào thời điểm đó, một sự kiện vô cùng quan trọng đã diễn ra, đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những luận điểm hết sức quan trọng, đó là, “văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển của một quốc gia”.
Tôi nghĩ rằng, những chủ trương đó, những quan điểm đó, văn hóa một lần nữa được xem như là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Chúng ta muốn đi đến tương lai với tư cách là một quốc gia hùng mạnh, thì không có cách nào khác là biến những gì người Việt Nam có, từ cốt cách con người, tiềm năng về trí tuệ, tiềm năng về năng lực, thành sức mạnh cụ thể.
Ngoài ra, chúng ta đang có một di sản văn hóa đồ sộ, nhưng bấy lâu nay, chúng ta mới dừng ở mức bảo tồn, trân trọng giữ gìn, ngưỡng mộ, nhưng còn chưa có nhiều lắm các giải pháp khoa học, với những quyết tâm chính trị để biến những di sản đó thành tài nguyên văn hóa tham gia công cuộc phát triển đất nước. Đây chính là thời cơ chúng ta phải tận dụng để những mong muốn đó, khát vọng cao quý đó biến thành sự thực.
Năm 1971: Tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội)
Năm 1985: Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Lomonoxov (Liên Xô cũ)
Năm 1986: Tiến sĩ khoa học chuyên ngành Lịch sử Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Lomonoxov (Liên Xô cũ)
Năm 2002: Được phong học hàm giáo sư
Hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam