Phiên thảo luận tổ về Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi |
Cơ quan thẩm tra khó thống nhất
Chiều 17/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Ông Phớc cho biết, Dự án luật sửa đổi, bổ sung quy định tại 11 điều của luật hiện hành, gồm người nộp thuế; đối tượng không chịu thuế; giá tính thuế; thuế suất; phương pháp khấu trừ thuế; phương pháp tính trực tiếp trên VAT; khấu trừ thuế VAT đầu vào; các trường hợp hoàn thuế; hóa đơn, chứng từ; hiệu lực thi hành; tổ chức thực hiện.
Một trong những nội dung đáng chú ý là Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế VAT thành đối tượng chịu thuế VAT, với thuế suất 5%.
Việc này, theo Chính phủ, sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.
Thẩm tra, tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách có 2 luồng ý kiến là tán thành và không tán thành với đề xuất trên. Ý kiến không tán thành cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.
Đáng chú ý, Dự thảo luật bổ sung quy định quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển, hàng biên mậu trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế VAT.
Mặc dù không được quy định trong luật, song trên thực tế, việc miễn thuế VAT gắn với miễn thuế nhập khẩu hiện cũng được thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh (theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế).
Theo cơ quan thẩm tra, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.
Tại Việt Nam, hằng ngày có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…
Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính - Viễn thông cho biết, tháng 3/2023, với giá trị mỗi đơn hàng nói trên được chia nhỏ ở mức 100.000 - 300.000 đồng, bình quân mỗi ngày có 45 - 63 triệu USD, nên một tháng có 1,3 - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…
Vẫn theo cơ quan thẩm tra, hiện nay, nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
“Đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay, giải trình cơ sở pháp lý của Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg đối với nội dung nêu trên", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu quan điểm.
Luật hóa tối đa để không phải chờ hướng dẫn
Thảo luận tại tổ ngay sau khi nghe báo cáo thẩm tra, nhiều vị đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa luật, song còn băn khoăn về một số vấn đề cụ thể.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nhận xét, một số điều của Dự thảo còn chung chung, nhất là có đến 10/18 điều giao Chính phủ quy định chi tiết. Bà Lam đề nghị cần luật hóa quy định tại các điều này để không phải chờ văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực.
Lấy ví dụ, bà Lam nói, khoản 25, Điều 5 giao Chính phủ quy định mức doanh thu hàng năm đối với hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện không chịu thuế là chưa phù hợp, mà cần quy định cụ thể ngay trong luật.
Liên quan vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng.
“Khoản 2, Điều 55, Hiến pháp quy định: Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Một nội dung cụ thể được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là quy định mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế VAT thành đối tượng chịu thuế VAT với thuế suất 5%.
“Chính sách mới này có làm tăng chi phí đầu vào không, tác động đến thu nhập của người nông dân thế nào cần đánh giá kỹ hơn, nhất là việc bổ sung quy định này phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên”, đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) nêu ý kiến.
Cũng thảo luận về quy định trên, đại Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho biết, ông ủng hộ đề xuất của Chính phủ, song đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin phần đánh giá tác động, làm rõ khi chuyển sang áp dụng thuế suất 5% liệu có làm tăng 5% chi phí của người mua phân bón không.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế VAT 5% sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp. “Nhưng cần làm rõ, sẽ được bao nhiêu chi phí đầu vào thì mới đảm bảo thuyết phục?”, ông Nam nói.
Vị đại biểu Hậu Giang cũng lưu ý, cần có giải pháp quản lý giá khi chính sách được ban hành. “Vì mục tiêu là giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh, vậy khi không còn áp lực cạnh tranh, thì các nhà sản xuất có giảm giá bán cho người tiêu dùng hay không?”, ông Nam nêu vấn đề.
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói, trước đây, khi áp thuế VAT với mặt hàng này, nhiều ý kiến từng cho rằng, cần nâng giá phân bón lên, nên sau khi sửa thì bỏ quy định đánh thuế với phân bón ra. Hiện giờ đứng trước 2 lựa chọn, nếu không đưa vào thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn vì họ không được hoàn thuế đầu vào, nhưng nếu đánh thuế với mặt hàng này thì ít nhiều sẽ khiến tăng giá.
“Việc này mong đại biểu Quốc hội nghiên cứu và thống nhất, đưa ra quyết định đảm bảo lợi ích đất nước, nông nghiệp phát triển bền vững”, ông Phớc nói.
Về doanh thu tính thuế với hộ kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nên phân quyền quyết định doanh thu tính thuế này cho Chính phủ. Tức là, cần phân quyền, khi đồng tiền mất giá, mức độ không còn phù hợp và chưa sửa được luật, thì Chính phủ đưa ra quyết định phù hợp thực tế.
“Hiện quy định doanh thu dưới 100 triệu đồng thì không tính thuế VAT, nhưng trong trường hợp thu nhập tăng lên, ngưỡng này có thể nâng lên 120 triệu đồng. Trường hợp này nếu vẫn giữ nguyên quy định cũ sẽ khiến người kinh doanh phản đối, do mức doanh thu tính thuế thấp, trong khi thực tế thu nhập đã tăng”. Từ phân tích này, ông Phớc cho rằng, việc ủy quyền cho Chính phủ quyết định mức doanh thu tính thuế VAT với hộ kinh doanh là hợp lý.
Theo nghị trình, sáng 24/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Tại kỳ họp này, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thảo luận tại tổ, một số vị đại biểu nhất trí tiếp tục giảm thuế, song cho rằng, cứ đề xuất giảm 6 tháng một (lần thứ ba trong hai năm) là nhỏ giọt, làm giảm hiệu quả của chính sách. “Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Bắc Ninh mong muốn giảm cao hơn 2% và mong muốn kéo dài đến hết năm 2025”, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phản ánh.