Sở dĩ mặt hàng kim loại quý gia tăng trở lại còn do lạm phát đi lên và nhu cầu đối với vàng vật chất tăng ở nhiều thị trường chủ chốt.
Các phân tích đưa ra, áp lực lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn. Lạm phát gia tăng sẽ thúc đẩy tăng giá đối với vàng.
Cụ thể, tuần qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 12/2021, sau khi tăng 0,8% trong tháng 11/2021.
Còn tại Anh, lạm phát trong tháng 12/2021 lên mức 5,4%, cao hơn ước tính 5,2% của các nhà kinh tế và là mức cao nhất trong gần 30 năm khi chi phí năng lượng tăng, nhu cầu tăng vọt và các vấn đề của chuỗi cung ứng tiếp tục đẩy tăng giá cả tiêu dùng.
Điều này cũng khiến trong tháng 12/2021, ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Lạm phát tại Mỹ cũng ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nâng lãi suất...
Giới phân tích cho rằng, giá vàng đang có sự bứt phá về kỹ thuật sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ suy yếu và tiếp tục giao dịch trong phạm vi 1.800 - 1.840 USD/ouce cho đến cuộc họp của Fed diễn ra vào tuần tới.
USD mất giá giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng ngoại tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm từ đỉnh hai năm cũng thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại này. Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ giảm xuống 95,58 điểm.
Giới phân tích nhận định lạm phát tại nhiều quốc gia có nền kinh tế lớn đang làm tăng thêm rủi ro trên thị trường. Từ đó, giới đầu tư tài chính tăng nhu cầu trú ẩn vào kim loại quý. Giá vàng hôm nay tăng mạnh là đương nhiên.
Thêm nữa, đo lo ngại rủi ro có thể đến từ lạm phát nên không ít nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu. Thị trường chứng khoán Mỹ phiên vừa qua đỏ sàn khi các chỉ số cơ bản như Dowjones giảm 339 điểm, S&P 500 giảm 44 điểm, Nasdaq giảm 166 điểm, 3 chỉ số này đã giảm tổng cộng hơn 1.000 điểm trong phiên giao dịch trước.
Các nhà phân tích cho rằng, một phần vốn đã dịch chuyển một phần vốn vào vàng, tạo động lực cho giá kim loại quý này đi lên.
Ngoài ra, nhu cầu đối với kim loại quý ở một số thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới như Ấn Độ được duy trì ở mức cao. Theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng trong quý IV/2021 tại Ấn Độ tăng mạnh do có nhiều lễ hội và là thời điểm mùa cưới ở nước này.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào là 61,3 triệu đồng/lượng và bán ra 61,9 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng so với cuối ngày hôm qua.
Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 61,050 triệu đồng/lượng mua vào và 61,650 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 61,280 triệu đồng/lượng mua vào và 61,650 triệu đồng/lượng bán ra.
Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới hơn 11,6 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư.
Ngày 20/1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.100 VND/USD, giảm 19 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Với biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.407 - 23.793 VND/USD.
Các ngân hàng thương mại giảm giá đồng bạc xanh 10 đồng/USD, Vietcombank mua vào còn 22.520 - 22.550 đồng/USD, chiều bán ra 22.830 đồng/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN vẫn được giữ nguyên mức so với hôm qua tại 22.550 - 23.050 VND/USD.