Giới phân tích tài chính cho rằng, các bất ổn trong thương mại (căng thẳng thương mại trên thế giới chuyển hướng từ đối đầu Mỹ - Trung Quốc sang Mỹ - EU, căng thẳng tại Trung Đông leo thang) sẽ thúc đẩy giá vàng. |
Trong phiên giao dịch chiều 3/7, giá vàng thế giới có dấu hiệu suy yếu khi giao dịch ở ngưỡng 1.425 USD/ounce, trong khi cuối phiên giao dịch trước đó đạt mức cao 1.438 USD/ounce. Đây là lần thứ hai trong 9 ngày, vàng đã mất động lực tăng giá sau khi tiếp cận mức 1.440 USD/ounce. Đáng chú ý, giá vàng đã chạm mức 1.439 USD/ounce trước khi kết thúc ngày 25/6 với mức tăng biên ở 1.424 USD/ounce.
Sự phục hồi mới nhất đẩy giá vàng lên ngưỡng 1.440 USD/ounce có phần khó hiểu - do không có dấu hiệu phục hồi trong lợi tức của trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn giao dịch dưới 2%, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm mạnh từ mức cao gần 1.440 USD/ounce cho thấy sự cạn kiệt đà tăng giá của vàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Nhóm Phân tích tiền tệ Eximbank, sự đảo ngược để chuyển sang kịch bản giảm giá ngắn hạn sẽ chỉ được xác nhận, nếu giá vàng giảm xuống dưới mức thấp gần đây là 1.382 USD/ounce và sau đó sẽ tăng trở lại.
Trước đó, vào phiên ngày 2/7, giá vàng giảm 24,40 USD/ounce, tương đương mức giảm 1,7%. Đây là mức giảm tính theo giá trị USD và tỷ lệ phần trăm cao nhất tính từ tháng 6/2018. Thế nhưng, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á sáng 3/7 đã leo lên mức 1.434,40 USD/ounce lúc 8h14 sáng theo giờ Việt Nam.
Theo các chuyên gia lĩnh vực này, giá vàng đang tăng trở lại để chinh phục ngưỡng đỉnh 6 năm vừa thiết lập cuối tháng trước tại 1.442 USD/ounce. Giới phân tích tài chính cho rằng, các bất ổn trong thương mại (căng thẳng thương mại trên thế giới chuyển hướng từ đối đầu Mỹ - Trung Quốc sang Mỹ - EU, căng thẳng tại Trung Đông leo thang) sẽ thúc đẩy giá vàng.
Do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, nên vừa mở cửa phiên 3/7, giá vàng SJC đã tăng nửa triệu đồng/lượng, lên mức 38,4 triệu đồng/lượng mua vào, 38,9 triệu đồng/lượng bán ra. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 40,2 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng SJC khoảng 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC được niêm yết tại PNJ trong ngày 3/7 tại TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là 38,9-39.450 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng thêm 990.000 đồng/lượng so với cuối phiên trước đó. Sáng 3/7, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ở mức âm 770.000 đồng/lượng, tính theo tỷ giá quy đổi tại Vietcombank ở mức 23.300 đồng/USD.
Đáng lưu ý hơn, do giá vàng thế giới cao hơn vàng SJC gần đây, nên thị trường cũng có sự biến động về giá vàng nguyên liệu. Trong khi vàng SJC được giao dịch ở mức 39,45 triệu đồng/lượng (chiều bán ra), thì vàng phi SJC các loại và vàng nguyên liệu 99,99 được giao dịch ở mức cao hơn rất nhiều. Giá vàng trong nước đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, vượt qua vùng 39 triệu đồng/lượng được lập vào tháng 7/2016.
Vàng là một trong những kim loại được sử dụng rộng rãi nhất nhờ vai trò quan trọng đối với giới đầu tư và tiêu dùng trên thế giới, không loại trừ Việt Nam. Dù vàng không còn được sử dụng như một đồng tiền tại các nước phát triển, nhưng vẫn tác động mạnh tới giá trị của những đồng tiền khác. Hơn nữa, có một sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị của vàng và của những đồng tiền giao dịch trên thị trường ngoại hối.
Các nhà đầu tư thường mua vàng với số lượng lớn khi thời kỳ lạm phát cao. Nhu cầu về vàng tăng suốt thời gian lạm phát do giá trị của chúng ít biến động và do nguồn cung hạn chế. Cũng nhờ giá trị ổn định, vàng có khả năng giữ giá trị tốt hơn nhiều so với các hình thức tiền tệ khác. Mặt khác, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), thói quen cất giữ vàng của người dân Việt Nam là không thể chối bỏ, kể cả khi các ngân hàng không được huy động vàng.