Ngân hàng
Vàng còn triển vọng tăng giá
Vân Linh - 30/09/2021 09:39
Vàng vẫn còn triển vọng tăng giá trước áp lực lạm phát cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa tăng lãi suất USD.

Đó là nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA).

ông Huỳnh Trung Khánh


Vàng chịu áp lực giảm trong thời gian gần đây. Theo ông, giá vàng có thể giảm xuống đến ngưỡng cản nào?

Mặt hàng kim loại quý này chịu áp lực giảm trong thời gian gần đây và giao dịch ở quanh ngưỡng 1.750 USD/ounce. Ngay cả cuộc khủng hoảng nợ Evergrande của Trung Quốc khiến thị trường lo lắng cũng không giúp giá vàng neo bền vững trên mức 1.750 USD/ounce.

Trong khi đó, với lợi suất trái phiếu tăng và USD mạnh hơn sau thông báo của Fed về việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, chưa tăng lãi suất USD, kim loại quý này có thể thử mức 1.700 USD/ounce. Thực tế, mức trên dưới 1.700 USD được giữ vững trong cả năm nay, ngoại trừ một thời điểm ngắn giá vàng giảm xuống còn 1.680 USD/ounce.

Những diễn biến hiện nay cho thấy, giá vàng thường hồi phục sau khi xảy ra sự kiện rủi ro nào đó, sau đó nhanh chóng giảm trở lại khi những lo ngại về rủi ro đó dịu đi. Tuy nhiên, vàng vẫn được dự báo còn triển vọng từ nay đến cuối năm.

Việc Fed chưa tăng lãi suất sẽ tác động ra sao đến giá vàng, thưa ông?

Fed có thể bắt đầu giảm mua tài sản từ tháng 11/2021, nâng lãi suất từ năm 2022. Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày 21-22/9, Chủ tịch Fed, ông Powell đã giải thích về những bước đi dự kiến đầu tiên của Fed trong việc rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Ông cho biết, việc cắt giảm chương trình mua tài sản “có thể bắt đầu sớm nhất từ cuộc họp tới”.

Cuộc họp mà ông Powell nhắc đến là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 2-3/11. Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng chờ thêm một thời gian nếu cần thiết, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc cắt giảm chương trình mua tài sản không có nghĩa là rút ngắn thời gian bắt đầu nâng lãi suất.

Chính sách tiền tệ trong thời đại dịch của Fed gồm việc chi 120 tỷ USD/tháng để mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ vay thế chấp nhà và lãi suất USD giữ ở khoảng 0 - 0,25%. Nhưng trong lần họp mới đây của Fed, các chính sách này được giữ nguyên. Fed cần thiết duy trì các mức lãi suất thấp trong một thời gian dài. Lãi suất vẫn khá thấp và đây không phải là một tình huống xấu đối với vàng. Có thể, trong thời gian ngắn, vàng khó bật tăng mạnh, song cũng khó giảm quá sâu. Mức kháng cự của mặt hàng kim quý vàng vẫn được cho là 1.800 USD/ounce.

Liệu vàng có thể tạo các cơn “sóng” lớn vào cuối năm nay như kỳ vọng?

Mặc dù giá vàng đã giảm so với mức 1.900 USD/ounce xác lập vào giữa năm nay, song vàng vẫn là hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tăng, tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp và lãi suất USD vẫn duy trì mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8/2021 đã tăng 0,3% so với tháng 7/2021. Cả năm 2021, CPI của Mỹ được dự báo tăng 5,3%.

Đồng thời, thông tin về trần nợ công của Mỹ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường tài chính toàn cầu. Trần nợ công của Mỹ đang tăng, nếu không tạm hoãn trần nợ công, thì nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ ở những tháng cuối năm. Thông tin này khiến giới đầu tư trở nên đề phòng rủi ro và đi tìm kênh trú ẩn an toàn và vàng là một trong những kênh đó.

Một yếu tố cũng không kém phần quan trọng là nhu cầu vàng vật chất ở một số quốc gia đang gia tăng trở lại, trong đó có các nước ở châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc. Tại Ấn Độ, nhu cầu vàng trang sức, đồng tiền vàng bất ngờ tăng mạnh đã giúp thị trường vàng phục hồi, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng củng cố quan điểm rằng, Fed có thể chậm trễ trong việc tháo gỡ các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Điều này sẽ tác động lên giá vàng, vì mặt hàng kim loại quý này luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư khi lạm phát ở mức cao và kinh tế trong thời kỳ suy thoái.

Với nhà đầu tư trong nước, vàng có còn là “hầm trú ẩn” an toàn, thưa ông?

Với thị trường vàng trong nước, thời gian qua, giao dịch khá trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách xã hội. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường trong nước không thể liên thông được với thế giới. Thế nhưng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn lên mức khá cao, đến 9 triệu đồng/lượng, khiến người mua vàng trong nước chịu thiệt.

Về vấn đề này, VGTA đã có kiến nghị cơ quan chức năng cho nhập khẩu vàng nguyên liệu. Xuất phát từ những điều kiện thuận lợi về chính trị, về môi trường kinh tế, Hiệp hội có kiến nghị về những mục tiêu cụ thể, như đổi mới chính sách pháp luật cũng như cơ chế quản lý đối với ngành vàng. Đồng thời, để phát triển sản xuất vàng trang sức, VGTA đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu sản xuất.

Theo tôi, để rút ngắn được khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới là không dễ khi thị trường chưa được liên thông. Vì thế, nhà đầu tư nhỏ, lẻ trong nước nên thận trọng khi rót vốn vào vàng.

Tin liên quan
Tin khác