Vàng quốc tế biến động khó lường trước những thông tin căng thẳng từ Nga - Ukraine, do đó giới chuyên gia cho rằng nhà đầu tư hạn chế giao dịch thời điểm này nhằm tránh rủi ro.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 26/2, giá vàng giao ngay ổn định ở 1.889 USD/ounce vào lúc 6h38 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Trong khi giá vàng giao tháng 4 giảm 1,86% xuống 1.890,55 USD.
Ngoài ra, nhiều người cũng có động thái chốt lời sau khi kim loại quý tăng 4 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn sẽ vẫn tăng cao và giá vàng có thể sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ trong ngắn hạn.
Tuy vậy, các nhà đầu tư sẽ tranh thủ bán kiếm lời mỗi khi giá vàng tăng và không ngại tìm cơ hội mua vào khi mặt hàng kim quý này giảm xuống mức thấp.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhẹ và giao dịch tích cực hơn sau thông báo của Nhà Trắng. S&P 500 tăng 0,23%, Nasdaq tăng 1,8%. Tuy nhiên Dow Jones vẫn giảm 0,84%.
Sự phục hồi trên thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đè nặng lên kim loại trú ẩn an toàn, ngay cả khi các nhà phân tích dự đoán sự biến động của thị trường sẽ duy trì ở mức cao.
Nhưng một số người tham gia thị trường tin rằng, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga là không đủ cứng rắn. Các nhà phân tích của Commerzbank cho rằng, sự sụt giảm của giá vàng là quá sớm, khi rủi ro vẫn có thể leo thang hơn nữa và nó có thể chỉ là một sự điều chỉnh tạm thời.
Giá kim loại quý được coi là tài sản trú ẩn an toàn trước căng thẳng địa chính trị Nga -Ukraine - đã tăng hơn 3% lên trên mức 1.973 USD/ounce trong phiên trước sau khi Nga tấn công Ukraine, song đã nhanh chóng giảm hơn 90 USD từ đỉnh xác lập hôm 24/2.
Các chuyên gia nhận định có nhiều khả năng nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn sẽ vẫn tăng cao và giá vàng có thể sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư sẽ tranh thủ bán kiếm lời mỗi khi giá vàng tăng.
Trong khi giá vàng thế giới biến động và tăng lên mức cao, quay đầu thì kim loại quý trong nước biến động ngược chiều so với đà tăng trên thị trường quốc tế.
Mở cửa phên sáng nay, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào vàng miếng là 64 triệu đồng/lượng và bán ra 65,4 triệu đồng/lượng. Nhưng đến 10h điều chỉnh tăng lên 64,4-65,6 triệu đồng/lượng (mua-bán).
Tại hệ thống PNJ niêm yết giá bán vàng miếng SJC tại khu vực TP.HCM ở mức 64,2-65,5 triệu đồng/lượng (mua-bán). Còn ở khu vực Hà Nội là 64,15-65,6 triệu đồng/lượng. Còn ở khu vực miền Tây, PNJ niêm yết giá vàng miếng SJC mức 64,5-65,7 triệu đồng/lượng (mua-bán).
So với cuối ngày hôm qua, vàng miếng SJC giảm 700.000 - 800.000 đồng ở chiều mua nhưng chỉ giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Còn nếu so với mức định lập được 67 triệu đồng/lượng sáng ngày 25/2 thì giá vàng đã giảm 1,5 - gần 2 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tập đoàn Doji vẫn duy trì giá mua vàng miếng là 64,2 triệu đồng/lượng và bán ra 65,7 triệu đồng/lượng như hôm qua. Chênh lệch giữa giá mua và bán của đơn vị này vẫn ở mức cao với 1,5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá mua và bán của vàng miếng SJC được đẩy lên mức cao với 1,4 triệu đồng/lượng, cao gấp đôi so với tuần trước. Điều này tiếp tục đẩy rủi ro cho người mua vàng dù giá kim loại quý sụt giảm.
Ngày 26/2, các ngân hàng thương mại giảm giá khoảng 20 đồng mỗi USD, Vietcombank mua vào còn 22.650 - 22.680 đồng/USD và bán ra 22.960 đồng/USD. Còn giá USD tự do tăng thêm 10 - 20 đồng, lên 23.495 đồng/USD ở chiều mua vào và bán ra 23.565 đồng/USD.