Ngày khai xuân nhiều biến động của giá vàng trong nước
Mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá vàng trong nước ghi nhận phiên biến động mạnh trong phiên. Vàng miếng SJC tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) mở cửa giảm sâu hơn triệu đồng mỗi chiều nhưng đến nay mức giảm đã thu hẹp đáng kể. Giá vàng giao dịch ở mức 76 - 78,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm lần lượt 500.000 đồng và 600.000 đồng so với trước Tết.
Chênh lệch giá mua - bán ở mức 2,3 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng miếng SJC biến động mạnh, người mua dù mua vào ở mức thấp nhất trong phiên (77,7 triệu đồng/lượng) vẫn chưa thể có lãi bù phần chênh lệch trên.
Các hãng vàng khác cũng thay đổi giá liên tục trong phiên “mở hàng” khai xuân. Ở thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC bán ra thấp nhất tại PNJ, cũng lên tới 78 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, hãng vàng nhận thu mua vàng miếng giá cao nhất là Mi Hồng (77 triệu đồng/lượng) và Bảo Tín Minh Châu (76,45 triệu đồng/lượng). Đây cũng là hai đơn vị giữ mức chênh lệch giá mua bán thấp nhất trên thị trường. Giá mua - bán tại Vàng Mi Hồng chỉ chênh 1 triệu đồng mỗi lượng. Hãng vàng này đã mở cửa trở lại từ hôm qua (mùng 5 Tết) và điều chỉnh giá vàng giảm sâu ở cả hai chiều sau cú rơi của vàng thế giới. Giá vàng tại Mi Hồng tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và 900.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Có phần ổn định hơn, vàng nhẫn 9999 tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) giảm 200.000 đồng mỗi chiều, giao dịch ở mức 63,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 64,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, tại Bảo Tín Minh Châu, vàng trang sức cũng tiếp tục giảm sau khi tuột khỏi mốc 66 triệu đồng/lượng trước Tết. Hiện giá vàng nhẫn tròn trơn Vàng Rồng Thăng Long giao dịch ở mức 64,69 triệu đồng (mua vào) và 65,79 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng trang sức 24K thấp hơn khi được mua vào ở mức 64,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 65,45 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trái với diễn biến ở trong nước, giá vàng thế giới ổn định khi chỉ đi ngang quanh mốc 1993 USD/ounce. Trước đó, vàng thế giới đã tuột khỏi mốc 2.000 USD/ounce ngay sau khi số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được công bố. CPI tháng 1 tăng 0,3% và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giảm so với mức 3,4% của tháng 12/2023, con số trên vẫn vượt dự báo khi phần lớn các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát tháng 1 tăng 0,2%, tương ứng mức tăng hàng năm của CPI là 2,9%.
Chi phí cho nhà ở - thành phần lớn nhất trong ngân sách của một hộ gia đình trung bình là yếu tố đóng góp tới 2/3 mức tăng của lạm phát trong tháng đầu năm 2024. Lạm phát cao dai dẳng trong hạng mục này đã thúc đẩy chỉ số lạm phát tổng thể. Các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trở lại mức mục tiêu hàng năm 2%, phần lớn vì cho rằng giá nhà ở sẽ giảm tốc trong năm. Tuy nhiên, sự gia tăng trong tháng 1/2024 có thể là trở ngại đối với Fed trong đang tìm cách giảm bớt chính sách tiền tệ ở mức thắt chặt nhất trong hơn hai thập kỷ.
USD tăng gây áp lực lên tỷ giá
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh của USD tương quan với 6 loại tiền tệ khác từng có thời điểm tiệm cận sát mốc 105 điểm hồi đầu tuần và đang giao dịch ở mức 104,6 điểm.
Tỷ giá trong nước do đó cũng biến động mạnh sau kỳ nghỉ lễ. Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày ở mức 23.976 VND/USD, tăng 20 đồng so với niêm yết trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.777 VND/USD, tỷ giá trần là 25.175 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá đã tăng 50 VND/USD mỗi chiều, lên 24.240 VND/USD và 24.610 VND/USD.