Giá vàng giao tháng 4/2022 cũng tăng lên trên 1.912 USD/ounce. Vàng tăng trong bối cảnh nhu cầu tìm kiếm kênh trú ẩn gia tăng khi mà bất ổn địa chính trị lên cao ở nhiều khu vực.
Căng thẳng Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kéo theo sức hấp dẫn của mặt hàng kim loại quý sẽ gia tăng như một công cụ bảo toàn tài sản.
Vàng đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 do tâm lý thích mạo hiểm và các vấn đề địa chính trị giữa Nga và Ukraine chưa lắng dịu cho dù việc ngoại giao đang được nỗ lực.
Giới phân tích nhận định, nếu vài ngày tới nếu diễn biến cuộc khủng hoảng Ukraine có thể vượt trội hơn những dữ liệu đáng khích lệ trên mặt trận kinh tế hay không cũng như khả năng một loạt đợt tăng lãi suất trong năm nay của các ngân hàng trung ương có sớm được triển khai hay không sẽ tác động mạnh lên mặt hàng kim quý vàng.
Do đó, các thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ một loạt các phát biểu công khai từ các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) trong tuần này để biết bất kỳ gợi ý nào về việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản lớn có thể đến tại cuộc họp tháng 3/2022 của Fed thay vì mức tăng 25 điểm cơ bản được mong đợi một cách rộng rãi hơn.
Cùng với đó vào cuối tuần qua, JP Morgan cũng có báo cáo cho rằn,g thị trường có thể phải đối mặt với 9 lần tăng lãi suất vào năm nay.
Giới đầu tư cũng lo ngại về triển vọng Fed sẽ tiến hành các biện pháp siết chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ khi lạm phát tăng mạnh.
Ít nhất 6 quan chức của Fed sẽ phát biểu trong tuần này và giới đầu tư sẽ tìm hiểu quan điểm của các quan chức về khả năng tăng 50 điểm cơ bản trong tháng 3 tới. Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.
Nhưng trong ngắn hạn, hầu hết nhà phân tích đều nhận định rằng nếu căng thẳng địa chính trị thế giới tiếp tục gia tăng thì giá vàng có khả năng giữ mức tăng trên 1.900 USD/ounce.
Ngược lại, các nhà phân tích lưu ý rằng, nếu căng thẳng bắt đầu hạ nhiệt, giá vàng có thể dễ dàng từ bỏ tất cả mức tăng gần đây.
Giá vàng đã tăng khoảng 4% trong hai tháng đầu năm 2022. Nhưng nếu trong trường hợp căng thẳng giữa Nga và Ukraine giảm, giá vàng sẽ giảm đáng kể.
Cùng với chiều hướng đi lên của giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước sáng nay đã tăng thêm 150.000 đồng/lượng khi Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 63 - 63,6 triệu đồng/lượng (mua-bán). Đây là mức giá cao nhất của vàng từ trước đến nay.
Tại hệ thống PNJ, giá vàng SJC đi ngang ở chiều hướng mua vào và tăng khoảng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày hôm qua.
Với mặt hàng vàng miếng, giá tăng mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu do các doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn cung, trong khi nhu cầu mua tăng mạnh.
Bởi vàng miếng SJC là mặt hàng độc quyền sản xuất của Nhà nước nên các doanh nghiệp không được tự chủ về nguồn cung. Theo đó, các doanh nghiệp buộc phải mua vào được thì mới có thể bán ra được.
Vì vậy, các doanh nghiệp dù bán ra với giá cao hơn 63,6 triệu đồng, nhưng ngược lại các nhà kinh doanh vàng cũng sẵn sàng mua vào với giá 63 triệu/lượng.
Tuy nhiên, quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới vẫn gần 11 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian dài vừa qua.
Ngày 22/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.130 VND/USD, giảm 3 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được giữ ở mức 22.550 - 23.050 VND/USD.
Với biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.436 - 23.824 VND/USD. Cụ thể, giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại giảm mạnh như Vietcombank giảm 50 đồng, đưa giá mua vào xuống 22.620 VND/USD và bán ra 22.930 VND/USD.