Vàng thế giới tăng mạnh sau tuần ảm đạm
Giao dịch trở lại sau một tuần gặp ngưỡng cản 1.500 USD/oz, giá vàng thế giới tối qua có thời điểm tăng thêm 24 USD/oz lên 1.512 USD/oz và hiện đang giao dịch tại mức 1.508 USD/oz. Cùng diễn biến tương tự, giá vàng giao tháng 12/2019 cũng hiện tăng 1,127% so với cuối tuần lên 1.516 USD/oz.
Giá cả nhiều hàng hóa đều tăng vọt, đặc biệt là năng lượng gồm dầu, khí đốt, vàng và bạc sau khi khu phức hợp xử lý dầu mỏ Abqaiq và giếng dầu Khurais của Arab Saudi bị tấn công bằng máy bay không người lái. Giá dầu Brent giao ngay lên mức cao nhất từ cuối tháng 5, hiện ở mức 67,2 USD/thùng, tăng 11,5% so với cuối tuần trước; giá xăng thế giới cũng tăng gần 9,7%; giá dầu đốt tăng 8,5%....
Sáng nay (16/9), giá vàng miếng SJC đồng loạt tăng khoảng 200.000 – 300.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước và trở lại mốc 42 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng miếng tại Tập đoàn Phú Quý hiện ở mức 41,8 triệu đồng (mua vào) và 42,15 triệu đồng (bán ra). Tại Doji, vàng miếng SJC được bán ra ở mức 42,05 triệu đồng và mua vào tại 41,78 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng SJC sáng 16/9 - Nguồn: Tổng hợp |
Tín hiệu tích cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tuần trước làm các nhà đầu tư tăng nhu cầu đối với các loại tài sản rủi ro, qua đó phần nào hạn chế đà tăng của vàng. Phần lớn thời gian tuần trước, giá vàng đều giao dịch dưới mốc 1.500 USD/oz, trừ phiên giao dịch biến động mạnh (tăng nhanh, giảm nhanh) sau quyết định hạ lãi suất cùng một loạt biện pháp nới lỏng tiền tệ được Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tung ra hôm thứ 5.
Trong tuần này, Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng sẽ tổ chức cuộc họp định kỳ quyết định lãi suất. Fed đã hạ lãi suất điều hành 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp hồi tháng 7 , lần đầu tiên trong 11 năm. Sau quyết định hạ lãi suất của ECB, Tổng thống Trump tiếp tục gia tăng áp lực lên Fed và cho rằng Fed hạ lãi suất về 0 hoặc thấp hơn.
Tỷ giá nhích tăng sau động thái giảm lãi suất điều hành
Từ đầu tuần này, các lãi suất điều hành quan trọng của Việt Nam cũng đồng loạt hạ 0,25 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Đồng thời, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở cũng giảm lần thứ hai trong năm 2019, xuống còn 4,5%/năm.
Dù Ngân hàng Nhà nước ấn định tỷ giá trung tâm tại 23.130 đồng/USD, giảm 2 đồng so với một tuần trước đó, nhưng một loạt ngân hàng điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND, với mức tăng 10-20 đồng so với thứ hai tuần trước, trừ Vietcombank duy trì tỷ giá ở mức 23.140 đồng/USD chiều mua vào và 23.260 đồng/USD chiều bán ra. Giá USD tại BIDV hiện đã tăng lên 23.155 đồng chiều mua vào và 23.275 đồng chiều bán ra. Tỷ giá tại VietinBank ở mức 23.148 - 23.268 đồng/USD.
Tại Eximbank và ACB, ngay sau thông tin điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN, nhà băng này đã nâng tỷ giá thêm 10 đồng mỗi chiều, lên 23.170 đồng/USD (mua vào) và 23.260 đồng/USD (bán ra) và tiếp tục duy trì mức này vào sáng nay. Đây cũng là mức tỷ giá phổ biến tại nhiều nhà băng. Tiền đồng nhìn chung đã ổn định trong một thời gian dài. So với thời điểm đầu năm, tỷ giá bán tại BIDV cũng mới tăng 0,15%.