Vàng được hỗ trợ khi USD giảm sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ cho kết quả không như kỳ vọng, dấy lên nghi ngờ về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu ngay lập tức kế hoạch giảm thu mua tài sản.
Chỉ số USD Index - thước đo sức khỏe của đồng bạch xanh giảm xuống 94,18 điểm sáng nay. Trong khi, lãi suất trái phiếu Mỹ vẫn giữ mức cao.
Tuy nhiên, chỉ số đô la Mỹ yếu hơn cũng hỗ trợ cho thị trường kim loại quý. Giá vàng kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 1.800 USD/ounce hoặc ở mức 1.793 USD/ounce.
Tâm lý thị trường tích cực hơn khi Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu vào thứ Năm (7/10) để tạm thời dỡ bỏ trần nợ, do đó ngăn chặn tình trạng vỡ nợ thảm khốc.
Nhưng điểm đáng chú ý hơn là vào cuối ngày 8/10, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 9 với nhiều thông tin trái chiều khiến cho thị trường rơi vào giằng co, các chỉ số không tăng nhưng cũng không giảm quá mạnh.
Cụ thể trong tháng vừa qua, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo ra thêm 194.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với dự báo 500.000 việc làm của các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát.
Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giảm xuống 4,8%, thấp hơn nhiều so với dự báo 5,1% của các nhà kinh tế và tương đương với giai đoạn cuối 2016. Số việc làm tạo mới trong tháng 8 cũng được điều chỉnh từ ước tính sơ bộ 235.000 lên 366.000.
Một bức tranh thị trường lao động u ám có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn kế hoạch giảm quy mô chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD hằng tháng.
Gần đây Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell chia sẻ rằng, ngân hàng trung ương có thể công bố các kế hoạch liên quan đến việc giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng vào cuối năm nay. Tuy vậy, Fed vẫn chưa có những tín hiệu rõ ràng về thời gian.
Giới phân tích tài chính cho rằng, số việc làm mới trong tháng 9 tại Mỹ tăng ít hơn dự đoán trước đó của giới chuyên gia, nhưng việc tuyển dụng có thể gia tăng trong những tháng tới khi sự lây lan của Covid-19 giảm.
Giá vàng có lúc được đẩy lên cao khi thị trường lao động Mỹ tiếp tục suy yếu tháng thứ 2 liên tiếp theo số liệu được công bố rạng sáng nay.
Tuy nhiên, báo cáo việc làm cũng ghi nhận một số xu hướng tích cực khi tỷ lệ thất nghiệp nước này giảm xuống 4,8% tính đến tháng 9, giảm so với mức 5,2% của tháng 8 và thấp hơn cả dự đoán của các nhà kinh tế là giảm xuống còn 5,1%.
Các nhà phân tích tài chính vẫn cho rằng, có rất nhiều lý do để giữ vàng trong bối cảnh hiện nay trước nguy cơ lạm phát đình trệ và giá năng lượng tăng cao sẽ tác động lên hoạt động sản xuất hàng hoá toàn cầu.
Đối với thị trường vàng trong nước, sáng nay giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào là 57,1 triệu đồng/lượng và bán ra là 57,8 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng so với cuối ngày hôm qua.
Còn giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, doanh nghiệp Phú Quý và hệ thống PNJ vẫn giữ nguyên không đổi ở cả hai chiều giao dịch.
Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, vàng thế giới tương đương 48,4 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới kỷ lục với 9,4 triệu đồng.
Sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn thế giới và lên mức kỷ lục trong hôm nay chủ yếu do bất cân xứng cung-cầu trong nước. Do cầu vàng trong nước vẫn có và thường tăng vào các mùa cao điểm ngày Thần Tài đầu năm và các dịp lễ, tết cuối.
Trong khi đó, cung vàng trong nước tiếp tục được kiểm soát. Đáng chú ý là kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Việt Nam tiếp tục kiểm soát đường biên nên vàng lậu khó có thể chảy mạnh vào thị trường trong nước.
Vàng chỉ, vàng lậu vào Việt Nam hạn chế khiến cung vàng nguyên liệu trong nước khan hiếm hơn, trong khi doanh nghiệp kinh doanh vàng không thu mua được vàng nguyên liệu trên thị trường để sản xuất, cùng với đó là độc quyền vàng miếng SJC.
Tuy nhiên, giới phân tích lĩnh vực vàng cho rằng, điều đó không có nghĩa là nguồn vàng lậu vào Việt Nam không còn, nhất là khi giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới đến 9 - 9,4 triệu đồng/lượng thì việc nhập lậu vàng là khó tránh.