Ngân hàng
Vàng trong nước hạ nhiệt
Tùng Linh - 22/05/2023 12:01
Giá vàng miếng SJC từng có thời điểm bán ra ở mức 67,4 triệu đồng, nhưng đã hạ về mức 67,25 triệu đồng mỗi lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra có nơi về còn 500.000 đồng.

Mở cửa tuần mới, một số công ty vàng trong nước vẫn neo cao giá vàng miếng SJC.

Đầu giờ sáng nay, giá vàng tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) chiều mua vào lên mức 66,75 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng; trong khi đó, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Cụ thể, giá vàng được yết ở mức 66,75 - 67,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 đồng/lượng. Tại PNJ và DOJI, mức chênh lệch trên còn thu hẹp về 500.000 đồng mỗi lượng, một điều không thường xảy ra thời gian qua.

Đến cuối giờ sáng, vàng đã hạ nhiệt đáng kể. Giá vàng miếng SJC bán ra phổ biến ở mức 67,15 - 67,25 triệu đồng/lượng. Chênh lệch tiếp tục thu hẹp đáng kể. Giá vàng bán ra gặp ngưỡng cản khá mạnh khi giao dịch quanh mức 67,25 triệu đồng. 

Trên thị trường thế giới, diễn biến giá vàng khá giằng co. Đến 11h sáng ngày 22/5, giá vàng giao ngay vẫn ở quanh mức 1.977 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York cũng duy trì tại 1.980 USD/ounce.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tiếp tục giao dịch ở mức trên 103 điểm; dù đã giảm đáng kể từ mức cao nhất hai tháng trở lại đây (103,58 điểm) vào cuối tuần trước. Tỷ giá trung tâm cũng ghi nhận xu hướng đi lên đáng chú ý. Sau khi tăng 40 đồng trong tuần trước, tỷ giá trung tâm ngày 22/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.684 VND/USD, tiếp tục tăng thêm 4 đồng ngay khi mở cửa đầu tuần mới.

Dù vậy, tỷ giá yết tại các ngân hàng thương mại lại quay đầu giảm mạnh. Sau khi vọt lên cuối tuần trước, tỷ giá USD bán ra tại Vietcombank đã giảm 40 đồng, trở lại mức 23.620 đồng. Ở chiều các ngân hàng mua vào, giá USD không đổi, duy trì ở mức 23.320 đồng/USD.

Các cuộc đàm phán về trần nợ công tại Mỹ sẽ là tâm điểm chú ý của giới đầu tư tuần nay, bên cạnh một số bài phát biểu của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và biên bản cuộc họp của FMOC (thuộc Fed).

Cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về nâng trần nợ công đang gấp gáp hơn khi Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể vỡ nợ 31.000 tỷ USD vào ngày 1/6 tới. Ngày 21/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Kevin McCarthy cho biết cuộc điện đàm trước đó giữa ông và Tổng thống Joe Biden về vấn đề nâng trần nợ công là "hữu ích" và hai bên sẽ gặp nhau vào ngày 22/5 để tiếp tục thảo luận sau khi ông Biden về nước từ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Hiroshima (Nhật Bản).

Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy bày tỏ sự tin tưởng rằng tình trạng vỡ nợ của Mỹ  sẽ được ngăn chặn. Cùng đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ cũng gợi ý một thỏa thuận tiềm năng nhằm nâng trần nợ có thể diễn ra ngay trong tuần tới. Dù vậy, mối đe dọa về một vụ vỡ nợ gây hậu quả thảm khốc về kinh tế cho nước Mỹ vẫn tồn tại, vào thời điểm hoạt động của nhiều ngân hàng vẫn có vẻ yếu kém.

Trong khi đó, lo ngại về việc lạm phát của Mỹ dường như không hạ nhiệt đủ nhanh để cho phép Fed tạm dừng tăng lãi suất cũng có thể tác động đến thị trường tài chính cũng như diễn biến giá vàng.

Giá vàng đã tăng lên đáng kể thời gian qua sau những biến động đáng chú ý của ngành ngân hàng Mỹ.  Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã từng bày tỏ quan ngại về việc trên thị trường có thể xảy ra thêm nhiều vụ sáp nhập trong ngành ngân hàng hơn nữa sau khi ba ngân hàng trong khu vực sụp đổ kể từ giữa tháng 3. Mặc dù cả ba ngân hàng phải đóng cửa đều thua lỗ đáng kể và tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao, tuy nhiên nhìn chung hệ thống ngân hàng đến nay vẫn đam bảo được thanh khoản.

Tin liên quan
Tin khác