Lợi thế nhìn rõ
Theo Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay tại Việt Nam, đầu tư xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 70% đầu tư xã hội, trong đó vật liệu xây dựng chiếm từ 30-50% tổng đầu tư xây dựng.
Trong bối cảnh các vật liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt do nhu cầu khai thác tối đa của con người, ngành xây dựng đã bắt đầu xuất hiện xu hướng sử dụng các vật liệu xây dựng siêu nhẹ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường.
Các vật liệu xây dựng siêu nhẹ bao gồm vật liệu kết cấu tường, vật liệu cách nhiệt, tấm lợp, cửa sổ, cửa ra vào, mặt tiền, vách thạch cao, trần nhà, sàn nhà, các sản phẩm từ xi măng và đá siêu nhẹ. Những vật liệu này thường có xếp hạng năng lượng thấp hơn so với vật liệu truyền thống. Do đó, trong suốt vòng đời, vật liệu siêu nhẹ sẽ sử dụng năng lượng ít hơn.
Sự đa dạng của các loại vật liệu siêu nhẹ giúp tăng tính linh hoạt trong thiết kế, ví dụ như các khối polystyrene có thể dễ dàng định hình theo mục đích thiết kế. Polystyrene cũng cung cấp khả năng cách nhiệt hiệu quả cao, có thể được sử dụng cho phần mái nhà, sàn nhà và các bức tường. Các loại gỗ nhiều lớp thải ra lượng khí carbon thấp hơn các vật liệu thông thường. Quy trình sản xuất loại vật liệu này không tạo ra khí thải và gỗ được khai thác từ các khu rừng đã được chứng nhận về quản lý bền vững.
Những vật liệu nhẹ còn có thể tạo thành từ các nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường như vỏ dừa, vỏ quả sầu riêng để tăng độ bền và mật độ, những vật liệu từ thực vật này rất phù hợp cho việc xây dựng các bức tường và mái nhà. Sử dụng vật liệu siêu nhẹ giúp tiết kiệm năng lượng và giúp giảm chất thải từ ngành công nghiệp chế biến trái cây.
Những vật liệu xây dựng siêu nhẹ có mật độ thấp hơn nước, tuy nhiên tỷ lệ cường độ trên trọng lượng của chúng lại cao hơn nhôm và thép. Các cấu trúc với độ xốp cao đã chứng minh hiệu quả trong việc mang tải trọng thấp.
Mặt khác, vật liệu siêu nhẹ còn có thể phản ứng nhanh hơn với những thay đổi về nhiệt độ, có khả năng làm mát nhanh ở những vùng khí hậu nóng. Vật liệu siêu nhẹ tốn ít chi phí hơn để sản xuất và vận chuyển, đồng thời tốn ít diện tích để cất trữ tại công trường.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại vật liệu siêu nhẹ như Viglacera với sản phẩm tấm panel bê tông khí chưng áp, Đạt Phú Thịnh với gạch nhựa vinyl, Công ty Vĩnh Cửu với gạch nhẹ, Thanh Phúc Group với đá siêu nhẹ…
Điểm chung của các sản phẩm này là đều có ứng dụng rất đa dạng và thích hợp trong việc hoàn thiện công trình như ốp tường trang trí, lát nền sân, ban công, vườn, lối đi, làm tường rào, cột…
Bên cạnh đó, vật liệu nhẹ vừa mang lại hiệu quả kinh tế như giảm được chi phí nền móng, quá trình thi công nhanh, vừa bảo vệ môi trường mà vẫn đẹp và bền vững theo thời gian.
Do đó, xây nhà bằng vật liệu nhẹ đang là một xu hướng được nhiều người lựa chọn cho công trình của mình.
Theo đại diện Công ty cổ phần Thạch cao Gypro Việt Nam, không giống như các vật liệu tự nhiên, vật liệu siêu nhẹ, trong đó có đá siêu nhẹ, ngoài những hoa văn cố định, nhà sản xuất có thể tự thiết kế hoa văn theo nhu cầu và thị hiếu của thị trường. Màu sắc của vật liệu siêu nhẹ cũng đa dạng hơn nhờ khả năng pha trộn, phối màu để tạo ra những tông màu phù hợp với sở thích của khách hàng. Các chuyên gia cũng cho rằng, bản thân đá tự nhiên đẹp, sang trọng, thích hợp trong trang trí và xây dựng các loại công trình nhưng lại quá nặng, rất vất vả trong quá trình vận chuyển, thi công.
Ông Trần Duy Phúc, Phó tổng giám đốc Thanh Phúc Group cho biết, vật liệu siêu nhẹ nói chung, đá siêu nhẹ nói riêng có mẫu mã đa dạng cũng như kích thước không giới hạn, nên thi công và ứng dụng rất lớn mà không gặp khó khăn hạn chế như đá tự nhiên. Thêm vào đó, vật liệu siêu nhẹ giúp rút ngắn thời gian thi công, một người chỉ cần 30 phút thi công là xong một bức tường lớn.
Cần pháp lý rõ ràng
Mặc dù nhìn thấy rõ về lợi thế và xu hướng tiêu dùng của loại vật liệu xây dựng siêu nhẹ hiện nay, nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn lúng túng, chưa tìm được thị trường, dẫn đến nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi, hoặc thậm chí phá sản.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Trường Hải, cho biết, nhờ được đi tham quan các nước tiên tiến và nhận rõ ra xu thế trong lĩnh vực xây dựng Việt Nam trong tương lai, nên từ năm 2013, ban lãnh đạo Công ty đã đầu tư cả chục tỷ đồng nhập máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất gạch không nung siêu nhẹ. Tuy nhiên, hoàn thiện nhà máy không được bao lâu, năm 2015, Công ty buộc phải bỏ dây chuyền vì thua lỗ, không tìm được đầu ra.
“Ngoài việc người tiêu dùng chưa biết nhiều về lợi thế của các loại vật liệu xây dựng siêu nhẹ, nên họ không tin tưởng tìm mua, thì cũng một phần do các cơ chế chính sách chưa rõ ràng. Việc hạn chế các vật liệu xây dựng truyền thống, tác động bất lợi cho môi trường chưa được xử lý triệt để, dẫn đến việc khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng mới còn khó khăn. Doanh nghiệp có thể bỏ tiền quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, nhưng đơn độc không thể trụ được lâu trên thị trường”, vị đại diện này chia sẻ.
Theo Viện Vật liệu xây dựng, gạch nhẹ mới chiếm tỷ lệ sử dụng khoảng 8 - 9% trên tổng số vật liệu xây không nung, trong khi mục tiêu đề ra là trên 20%. Điều đáng nói, đây là chỉ tiêu quan trọng thứ hai trong chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong khi đó, theo báo cáo đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu mặt hàng vật liệu xây dựng của Bộ Xây dựng, năng lực sản xuất của một số sản phẩm chủ yếu của ngành như sau: xi măng: 89 triệu tấn/năm (bằng 2% sản lượng xi măng thế giới); gạch ốp lát: 705 triệu m2/năm (bằng 5% sản lượng toàn thế giới); kính xây dựng: 200 triệu m2/năm (bằng 2% sản lượng kính toàn thế giới); sứ vệ sinh: 20 triệu sản phẩm/năm (bằng 1,5% sản lượng toàn thế giới); đá ốp lát: 16 triệu m2/năm…
Trong khi đó, nhu cầu một số loại vật liệu chính của Việt Nam đến năm 2020 như sau, vật liệu xây: 30 tỷ viên; vật liệu lợp: 59,9 triệu m2; đá xây dựng: 181 triệu m3; cát xây dựng: 130 triệu m3…
Theo các chuyên gia, việc các vật liệu mới khó chen chân vào trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trước hết nằm ở tâm lý ngại thay đổi và lợi ích của việc sản xuất vật liệu cũ bị ảnh hưởng khi thay thế.
Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống pháp luật quy định cho các vật liệu mới chưa hoàn thiện, dẫn đến quá trình ứng dụng nảy sinh nhiều vấn đề. Trên thực tế, đôi khi những vấn đề này không bắt nguồn từ doanh nghiệp, nhưng lại khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng và giá trị của các vật liệu mới bị nhìn nhận sai lệch, từ đó cản trở khả năng lan toả của sản phẩm mới.
Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thạch cao Gypro Việt Nam cho biết, giải pháp trước hết là các bộ, cơ quan chức năng liên quan cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng trong các công trình xây dựng, giao thông san lấp mặt bằng.
Đồng thời, cần thiết có quy định bắt buộc các dự án xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng các sản phẩm mới để tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm năng lượng.