“Điểm đầu tiên, chúng tôi muốn đề nghị xác định kinh tế tư nhân là động lực và “rường cột” của nền kinh tế nước nhà”, ông Lộc nói tại Phiên Hiến kế, đề xuất, kiến nghị của khu vực kinh tế tư nhân.
Quan điểm của VCCI dựa trên thực tế khu vực kinh tế tư nhân đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong nền kinh tế, gánh vác trọng trách lịch sử chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Đây cũng là khu vực mưu sinh cho hàng chục triệu gia đình.
“Đóng góp cho tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng tăng lên, hiện đã đạt tỷ lệ 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng. Nghị quyết 10 đã đề ra mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân trong nước sẽ đóng góp 50% GDP vào năm 2020, 55% vào năm 2025 và 60-65% vào năm 2030. Đó là những mục tiêu hiện thực. Với triển vọng như vậy, và giả định rằng khu vực FDI sẽ tiếp tục đóng góp tối thiểu 20% GDP trong thời gian tới, thì khu vực kinh tế tư nhân (theo nghĩa rộng, theo thông lệ thế giới) sẽ đóng góp ít nhất 80-85% GDP vào năm 2030”, ông Lộc lý giải.
Hai là, chuyển trọng tâm công tác của Chính phủ từ tháo gỡ khó khăn sang tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho doanh nghiệp.
Ba là, Luật doanh nghiệp sửa đổi cần có giải pháp đột phá mở đường cho các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ có thể lớn lên.
Bốn là, dùng một luật để sửa nhiều luật về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh để khắc phục nhanh những điểm nghẽn về thể chế.
“Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội theo định kỳ "một luật sửa nhiều luật về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh”, tương tự như chuỗi các Nghị quyết 19 và NQ 02 của Chính phủ, để khắc phục sớm những điểm nghẽn, bảo đảm sự nhất quán trong khung khổ pháp luật hiện nay về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh”, ông Lộc nói.
Năm là, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, trung lập hóa bộ máy làm chính sách.
Để tạo sự bứt phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và dẹp bỏ giấy phép con, VCCI đề nghị thay cho cách tiếp cận truyền thống là giao cho các bộ, ngành tự rà xét và đưa ra các giải pháp cắt giảm, bằng việc giao cho VCCI chủ trì cùng với CIEM và các hiệp hội doanh nghiệp chủ động rà xét và kiến nghị danh sách các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cần tiếp tục đơn giản hóa hoặc loại bỏ để báo cáo trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị với các bộ ngành.
Sáu là, dùng gương soi năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành, quận huyện (DDCI) để thúc đẩy thực thi, chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên đã thông, dưới chưa thoáng”, “trên rải thảm, dưới rải đinh”,…
Bảy là, đối tác công-tư là chìa khóa thành công. “Đối với các dịch vụ phát triển kinh doanh, đề nghị các bộ ngành và địa phương có kế hoạch chuyển giao sớm cho các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng", ông Lộc nhấn mạnh và cho rằng, các công trình dự án đầu tư công lớn cần đưa ra bàn bạc với cộng đồng doanh nghiệp.
Cơ sở của kiến nghị này là những công trình lớn tiêu biểu mà các doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện như: các khu đô thị lớn nhất Việt Nam, tòa nhà cao nhất Việt Nam, các sân bay, bến cảng, tuyến đường cao tốc đạt kỷ lục về thời gian hoàn thành xây dựng và chất lượng xây dựng, các dự án sản xuất ô tô, dịch vụ hàng không, thành phố thông minh…
Các doanh nghiệp Việt có thể chung tay với Nhà nước đóng vai trò chủ trì theo phương thức đối tác công-tư trong xây dựng các công trình lớn hàng đầu của đất nước, đặc biệt là các dự án có ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội rộng lớn, biểu tượng cho tinh thần dân tộc và sự phát triển của quốc gia như: các tuyến đường cao tốc Bắc Nam, Sân bay quốc tế Long Thành.... và các dự án chiến lược khác”, ông Lộc khuyến nghị.
Tám là, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời khỏi các chính sách tái cấu trúc khu vực DN nhà nước và thu hút chọn lọc các DN FDI.
Chín là, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính như bảo vệ “tài sản quốc gia”.
Mười là, thúc đẩy phong trào “Made-in-Vietnam”, “Made-by-Vietnam” là màu cờ, sắc áo.
Bên cạnh 10 điểm gửi tới Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, VCCI cam kết xác định tầm nhìn phát triển bền vững để định vị lại chiến lược, cơ cấu lại quản trị, nâng cấp các hoạt động đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, hướng tới các chuẩn mực toàn cầu.
"Nghị quyết 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII gợi nhớ về Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp (thường gọi là khoán 10) của TW 30 năm về trước – Nghị quyết của nguồn cảm hứng đổi mới và là hòn đá tảng đầu tiên trên con đường cải cách kinh tế ở Việt Nam. Chúng ta hy vọng Nghị quyết 10 lần này cũng là nguồn cảm hứng và dấu ấn đột phá như vậy, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa khởi nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân", ông Lộc nhấn mạnh.