Kỳ họp thứ ba, lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư |
Những lần đầu tiên đáng nhớ
Cuối tuần qua, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV bế mạc. Đây cũng là kỳ họp thứ tư trong thời gian chưa đầy một năm qua của cơ quan lập pháp (ba kỳ họp thường lệ và một kỳ họp bất thường).
Một năm, đất nước đã trải qua những mất mát nặng nề bởi đại dịch Covid-19, những biến động của thế giới khiến sức chống chịu của doanh nghiệp, của người dân càng trở nên mong manh.
Đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống khiến cơ quan đại biểu cao nhất của dân không thể yên tâm xuân thu nhị kỳ (thời gian tổ chức 2 kỳ họp thường kỳ mỗi năm) mới đặt lên bàn nghị sự những vấn đề quan trọng của đất nước.
Ngay từ kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, một kỳ họp lẽ ra chủ yếu tập trung cho công tác nhân sự, Quốc hội đã phải giục Chính phủ "xé rào" để sau đó "thần tốc" ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn cam go. Với nghị quyết này, có những việc được rút ngắn thời gian xử lý, giải quyết theo quy trình đặc biệt, thậm chí có việc chưa được quy định trong luật, nhưng nếu phát sinh thì cho phép Chính phủ chủ động xử lý.
“Quốc hội lần đầu tiên vừa có sáng kiến lập pháp tức thời, vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong 3 ngày, với sự đồng thuận rất cao”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khái quát về câu chuyện đáng nhớ này.
Tháng 10/2021, Kỳ họp thứ hai diễn ra theo cách chưa từng có tiền lệ. Khi Quốc hội họp trực tiếp, thì riêng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM vẫn được họp theo hình thức trực tuyến, với quyền và nghĩa vụ của các vị đại biểu Quốc hội vẫn được đảm bảo.
Ngay ở kỳ họp này, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ chương trình này, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Và để chữ "sớm" không nằm trên giấy, để nền kinh tế có thêm điểm tựa nhằm phục hồi và phát triển, chỉ chưa đầy 2 tháng sau, khi bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội lần đầu tiên họp bất thường. Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội nằm ngoài khung khổ của các khung kế hoạch 5 năm (2021-2025), được Quốc hội quyết định lên tới gần 350.000 tỷ đồng.
Chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng thành hiện thực.
Một đạo luật có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau để gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh cũng gấp rút hoàn thành ngay tại kỳ họp bất thường này.
Ngày 23/5/2022, Kỳ họp thứ ba được khai mạc, như thông lệ, vừa bế mạc chiều 16/6 vừa qua.
Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lần đầu tiên tại một kỳ họp Quốc hội, có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án, với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách, lan tỏa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.
Trong 5 dự án, chỉ có một áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức PPP, còn lại 4 dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, sử dụng tổng hợp cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, cả nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và vốn đầu tư công trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội cũng cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ để các dự án này được triển khai theo đúng tiến độ. Và có lẽ vì thế mà thời gian trình các dự án này đã phải lùi lại một tuần, để hồ sơ được hoàn thiện, để các đại biểu yên tâm hơn khi lần đầu tiên bấm nút tới 5 dự án quan trọng quốc gia chỉ ở một kỳ họp.
Cầu nối đặc biệt quan trọng
Với sự đổi mới liên tục trong hoạt động, đặc biệt là mọi việc đều được chuẩn bị từ sớm, từ xa như tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh, thì khó có thể kể hết những "lần đầu tiên" của Quốc hội trong một năm qua.
Đương nhiên, để Quốc hội có thể ban hành những chính sách chưa từng có tiền lệ, để đồng hành với Chính phủ, với cử tri trong mọi quyết sách của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội làm việc bất kể giờ giấc.
Sáng 23/5, Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ ba, ở hành lang Quốc hội, người viết bài này hỏi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh rằng, tối qua (22/5), ông có ra sân Mỹ Đình cổ vũ Đội tuyển Bóng đá Việt Nam đăng quang ngôi vô địch không.
Muốn lắm mà có đi được đâu, anh em chuẩn bị nội dung để báo cáo Quốc hội đến tận nửa đêm, nhưng vẫn phải nhận lỗi với đại biểu vì nhiều tài liệu vẫn chậm hơn quy định, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.
Ông Thanh chia sẻ thêm rằng, có những hôm, 3-4 giờ sáng phòng làm việc vẫn sáng đèn, còn những hôm làm việc đến 8-9 giờ tối thì đếm không nổi. "Biết là vi phạm Bộ luật Lao động, nhưng không biết làm thế nào cả", ông Thanh nói.
Với đặc thù công việc, nội dung được giao chủ trì thẩm tra luôn nhiều hơn các ủy ban khác của Quốc hội, nên Ủy ban Kinh tế không phải đến nhiệm kỳ này mới phải sáng đèn ngoài giờ.
Nhiệm kỳ trước, đã có những phiên thẩm tra kéo dài đến hơn 19 giờ, tài liệu đến tay còn nóng theo nghĩa đen.
Một năm nay, các phiên họp ngoài giờ, ngày nghỉ lại càng dày hơn, thậm chí có những buổi đã thống nhất nội dung, phát hành giấy mời, nhưng phút chót lại thay đổi vì cơ quan trình không chuẩn bị kịp.
Sát kỳ họp và trong kỳ họp Quốc hội thì lại càng chẳng thể tính đếm được giờ giấc. Một chuyên viên Vụ Kinh tế (giúp việc cho Ủy ban Kinh tế) chia sẻ rằng, cô luôn phải "thủ" sẵn mì tôm ở phòng làm việc, vì có hôm 2-3 giờ sáng mới được... tắt đèn. Và kinh nghiệm của cô cũng như các đồng nghiệp là, ăn sáng thật chỉn chu để nếu buổi trưa có phải "vắt chân lên cổ" lo công việc, thì vẫn đủ sức cầm cự.
Nhưng cũng chả riêng Ủy ban Kinh tế mới vất vả như thế. Lãnh đạo Bộ Y tế từng nhắc đến những cuộc họp ngay trong đêm với Ủy ban Xã hội để chính sách mới kịp trình Quốc hội. Những cuộc họp ngay trong đêm, những nghị quyết được ký ngay trong đêm cũng chẳng còn xa lạ với cả lãnh đạo Quốc hội cũng như các cơ quan giúp việc. Và tất nhiên, luôn có báo chí đồng hành.
Khẳng định vai trò cầu nối đặc biệt quan trọng của báo chí giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với xã hội, ông Vũ Hồng Thanh nhận định, cây cầu này ngày càng vững chắc hơn khi Quốc hội bận rộn hơn.
Họp báo khi Kỳ họp thứ ba vừa kết thúc, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, trong hoạt động của Quốc hội, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, góp phần không nhỏ vào thực hiện nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Các cơ quan thông tấn, báo chí bám sát và phản ánh kịp thời, đầy đủ tới cử tri và nhân dân cả nước thông tin về các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hoạt động của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký khái quát.
Ông cũng bày tỏ mong muốn các cây bút nghị trường sáng tạo hơn để tác phẩm báo chí về hoạt động của Quốc hội chuyên sâu và thu hút hơn. Mặt khác, các đại biểu cũng mong chờ các tác phẩm báo chí đi sâu, đi sát vào vấn đề dân sinh nóng bỏng, những mối quan tâm của người dân để phân tích, lý giải, qua đó góp phần hình thành mối quan hệ mật thiết giữa Quốc hội và Nhân dân.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Phạm Đình Toản chia sẻ: “Vì quan tâm đến những vấn đề kinh tế, đặc biệt là chính sách vĩ mô, nên tôi rất hay đọc Báo Đầu tư. Là cơ quan ngôn luận của một bộ có chức năng tham mưu tổng hợp, nên các tác phẩm báo chí trên Báo Đầu tư tiếp cận vấn đề một cách tổng thể, có chiều sâu. Tôi tìm thấy ở nhiều bài báo những luận giải cặn kẽ, rõ nét, mang tính xây dựng cao và định hình được giải pháp khắc phục các bất cập, chứ không giật gân, câu khách, gây thêm bức xúc cho người đọc. Nhiều bài viết về hoạt động của Quốc hội có hàm lượng phản biện chính sách cao, là kênh tham khảo hữu ích cho đại biểu Quốc hội”.