Nguy cơ bủa vây
Tháng 4, chị Phương, 43 tuổi, đột nhiên đau tức ngực từng cơn, khó thở, vã mồ hôi, cấp cứu tại bệnh viện phát hiện nhồi máu cơ tim do tắc hoàn toàn mạch vành và thân chung.
Bệnh tim mạch có xu hướng gia tăng và trẻ hóa do tăng tình trạng béo phì, tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao, cholesterol cao và tăng huyết áp. |
Người bệnh được nong động mạch liên thất trước, thân chung trong cuộc mổ thứ nhất và nong mạch vành bên phải trong lần phẫu thuật thứ hai.
Trường hợp khác, anh Vũ Hải Sơn (39 tuổi, TP.HCM) có bệnh sử rối loạn mỡ máu hút thuốc lá nhiều năm xuất hiện triệu trứng đau tức ngực giờ thứ 2, cơn đau kéo dài 30 phút.
Cả hai trường hợp đều có yếu tố cơ địa dễ bị xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu cũng như mảng xơ vữa thuộc dạng dễ nứt vỡ kèm các thói quen kém lành mạnh. Đây đều là những yếu tố khiến tình trạng xơ vữa và nhồi máu cơ tim xảy ra khi bệnh nhân ở tuổi đời còn rất trẻ.
Cơn đau tim (còn gọi là nhồi máu cơ tim) xảy ra khi lưu lượng máu mang oxy đến cơ tim bị giảm nghiêm trọng hoặc bị cắt đứt hoàn toàn, thường bắt nguồn từ tắc nghẽn động mạch do chất béo lắng đọng, cholesterol và các mảng xơ vữa gây hẹp mạch máu của tim hay còn gọi là xơ vữa động mạch.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các cơn đau tim, hay còn gọi là nhồi máu cơ tim, đang gia tăng ở những người trẻ tuổi. Các triệu chứng thường gặp gồm đau ngực hoặc khó chịu; cơn đau lan xuống hàm, cổ, lưng hoặc cánh tay; hụt hơi; cảm thấy yếu hoặc ngất xỉu.
Một nghiên cứu trên 2.000 thanh niên nhập viện vì đau tim từ năm 2000 đến năm 2016 tại hai bệnh viện ở Mỹ cho thấy, cứ 5 người thì có 1 người dưới 40 tuổi và tỷ lệ của nhóm này đã tăng 2% mỗi năm trong thập kỷ qua.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2019 trên Tạp chí Y học Mỹ cũng cho thấy người dưới 40 tuổi bị đau tim thì nguy cơ tử vong vì cơn đau tim, đột quỵ hoặc lý do khác tương đương như người lớn tuổi.
Sự gia tăng bệnh tim ở người trẻ vào năm 2020 và 2021 cũng là nguồn gốc gây ra hơn 4% sự sụt giảm tuổi thọ gần đây ở Mỹ.
Thực tế ghi nhận, ngày càng nhiều thanh niên gặp vấn đề về tim mạch so với những thập kỷ trước. Cuối tháng 7, Bronny James, 18 tuổi, con trai lớn của ngôi sao NBA LeBron James, đã bị ngừng tim khi đang tập bóng rổ tại Đại học Nam California. Bệnh nhân xuất viện sau thời gian ngắn nằm viện.
Tối 2/1/2023, cầu thủ nổi tiếng Damar Hamlin (24 tuổi) cũng bị ngừng tim sau cú va chạm với đối thủ trong hiệp đầu tiên của trận đấu tranh Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ. Được hồi sinh trên sân và nhanh chóng hồi phục, nhưng vụ việc đã dấy lên một lo ngại về sức khỏe tim mạch.
Tại Việt Nam, theo PGS-TS Phạm Nguyễn Vinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tại đây, 15% người bệnh nhồi máu cơ tim được can thiệp cấp cứu ở khoảng 35-45 tuổi.
Chuyên gia cũng lo ngại khi bệnh tim mạch có xu hướng gia tăng và trẻ hóa do tăng tình trạng béo phì, tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao, cholesterol cao và tăng huyết áp.
Ngoài ra, đó còn là hệ quả của thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như chế độ ăn uống thiếu khoa học, thiếu ngủ, căng thẳng, lười vận động, tập thể dục quá mức, ăn kiêng, hút thuốc và uống rượu… ở người trẻ.
Các yếu tố nguy cơ hàng đầu là tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao và béo phì, có thể làm tắc nghẽn và làm tổn thương các động mạch và mạch máu chính cung cấp oxy đến tim.
70% người bệnh đái tháo đường có liên quan đến bệnh lý tim mạch, như cao huyết áp, rối loạn lipid máu, viêm cơ tim, suy tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim… Số ca tử vong do đái tháo đường, béo phì dẫn đến bệnh lý tim mạch đang chiếm hàng đầu.
Huyết áp cao cũng là một trong những yếu tố nguy cơ lớn gây ra bệnh tim mạch. Thật không may, tỷ lệ tăng huyết áp đang tăng nhanh hơn ở người trẻ tuổi so với người lớn tuổi. Huyết áp cao làm cho cơ tim dày lên, gây hại cho mạch máu và làm tăng nguy cơ đau tim.
Theo Thống kê, nước ta hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm trên 35% tổng số ca tử vong.
Thừa cân và béo phì cũng là nguyên nhân chính gây ra các cơn đau tim. Thừa cân khiến trái tim phải hoạt động nhiều hơn, đồng thời dễ mắc thêm các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, như huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol cao. Điều này khiến người trẻ dễ bị đau tim ngay cả khi khỏe mạnh.
Trong số những nguyên nhân góp phần gây ra cơn đau tim ở người trẻ tuổi, hút thuốc lá cũng là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu. Nguy cơ đau tim tăng tỷ lệ thuận với số lượng thuốc lá người trẻ tiêu thụ. Hút một gói mỗi ngày làm tăng gấp đôi nguy cơ bị đau tim so với những người không hút thuốc. Ngoài ra, lạm dụng chất gây nghiện, như cocain, cũng gây tổn hại cho trái tim.
Một số nghiên cứu cho thấy, việc mắc Covid-19 như “đổ thêm dầu vào lửa”. Người từ 25 đến 44 tuổi bị đau tim tăng 30% so với con số trong hai năm đầu của đại dịch Covid-19.
Một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí Virus học Y tế cho thấy số ca tử vong do đau tim đã tăng 14% trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch. Sự gia tăng lớn nhất được tìm thấy ở người trưởng thành từ 25 đến 44 tuổi.
Mặc dù các cơn đau tim thường tấn công nam giới nhiều hơn nữ giới, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nhiều phụ nữ trẻ bị đau tim hơn so với nam giới trẻ tuổi - và những tác động lên họ còn tồi tệ hơn.
Một cuộc điều tra năm 2018 được công bố trên tạp chí Circulation cho thấy tỷ lệ nhập viện do đau tim nói chung ở những người từ 35 đến 54 tuổi đã tăng từ 27% trong năm 1995-99 lên 32% trong năm 2010-14. Sự gia tăng lớn nhất xảy ra ở phụ nữ trẻ (21% đến 31%) so với nam giới trẻ (30% đến 33%).
TS.BS Ziyad Al-Aly, nhà khoa học tại Trường Y Đại học Washington ở St. Louis và đồng tác giả của nghiên cứu, ước tính khoảng 4% người mắc bệnh Covid-19 sẽ phát triển các vấn đề về tim, như rối loạn nhịp tim, suy tim, viêm cơ tim.
Nghiên cứu khác vào tháng 2/2023 cho thấy phản ứng miễn dịch viêm đối với nhiễm trùng Covid-19 có thể, dẫn đến nhịp tim không đều, gây tử vong. Tác động của virus Corona lên hệ tim mạch do phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, trong đó những người trẻ tuổi có nhiều khả năng có hệ thống miễn dịch mạnh hơn, khiến tình trạng viêm trầm trọng hơn, làm tổn thương tim.
Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (Mỹ) giải thích, một số người phát triển cục máu đông sau khi nhiễm Covid-19, đôi khi ở tim. Virus có thể tấn công các mạch máu, gây ra sự gia tăng các tế bào viêm, có thể kích hoạt giải phóng các phân tử góp phần đông máu. Mắc Covid nhiều lần sẽ càng gia tăng các vấn đề về tim.
Các yếu tố khác như hút thuốc lá, cocain, cần sa và sử dụng rượu cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim ở người trẻ tuổi.
Cần nhận ra các yếu tố nguy cơ
Hầu hết, người trẻ đều không quan tâm đến những yếu tố rủi ro trên. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 1 bởi Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học bang Ohio cho thấy, 47% người dưới 45 tuổi không nghĩ rằng họ có nguy cơ mắc bệnh tim; 1/3 số người trưởng thành được khảo sát cho biết họ không chắc về việc liệu mình có bị đau tim hay không.
Tương tự, chỉ một nửa trong số 3.500 thanh niên có các yếu tố nguy cơ cao tin rằng họ có khả năng mắc bệnh tim trước khi cơn đau tim xảy ra; thậm chí một số người cho biết bác sĩ của họ đã thông báo rằng họ có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là phụ nữ.
Các chuyên gia cho biết, để những người trẻ tuổi quan tâm đến vấn đề sức khỏe tim mạch là một thách thức vô cùng lớn; họ đang bận rộn với việc xây dựng gia đình, phát triển sự nghiệp. Phòng ngừa sớm chính là biện pháp tối ưu phòng tránh đột tử do nhồi máu cơ tim.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị người dân tuân theo “8 điều thiết yếu của cuộc sống” để cải thiện và duy trì sức khỏe tim mạch, bao gồm: chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, không hút thuốc lá và ngủ đủ giấc, cũng như kiểm soát cân nặng, cholesterol, lượng đường trong máu và huyết áp.
Nếu bị nhiễm Covid-19 nhiều lần, người có bệnh lý tim mạch nên chú ý các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, như huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.
Đối với trường hợp mạch máu tim tắc nghẽn hoàn toàn thì “thời gian vàng” can thiệp trong 1-2 giờ đầu sau khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nặng ngực, khó thở, cảm giác bồn chồn, khó chịu ở vùng thượng vị, buồn nôn, vã mồ hôi.
Một số bệnh nhân có triệu chứng điển hình hơn là nghẹn ở cổ, mỏi cứng hàm, mỏi vai, mỏi hai tay nên đến bệnh viện sớm ngay trong 1-2 giờ đầu để bác sĩ kịp thời cứu chữa. Nếu chần chừ nhập viện quá muộn sau 12 giờ kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng, tiên lượng tử vong cao và nguy cơ để lại biến chứng lâu dài.
Những người có bệnh nền cao huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thường xuyên căng thẳng mệt mỏi, hạn chế luyện tập thể dục thể thao… nên thăm khám sức khỏe định kỳ và đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường cảnh báo đột quỵ tim.