Theo ông Don Lam, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Dưới góc nhìn của một đơn vị đầu tư tài chính, ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.
Ông Don Lam cho biết, cách đây 10 năm, khi gặp một số nhà đầu tư nước ngoài, họ hỏi ông rằng: "Đất nước bạn có còn chiến tranh không" mà không biết rằng điều đó kết thúc hơn 30 năm rồi.
"Việt Nam giờ đây là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, là một 'con hổ' mới của khu vực Đông Á", CEO VinaCapital nói.
Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế tốt, mức tăng trưởng GDP đạt 6-7% mỗi năm. Việt Nam hiện có 100 triệu dân và đang dịch chuyển nhanh chóng từ sản xuất dệt may, điện tử chi phí thấp và sau đó đến chất bán dẫn.
Trong đó, Việt Nam cũng đang tiến lên chuỗi giá trị của may mặc, hiện sản xuất cho các thương hiệu cao cấp. Ở mảng xuất khẩu hiện nay, 1/3 vẫn là điện tử và bán dẫn. "Đó là một bước tiến quan trọng trong khoảng 7-8 năm qua, được dẫn dắt bởi Samsung. Gần như một nửa số lượng điện thoại di động Samsung trên toàn cầu là sản xuất ở Việt Nam", ông Don Lam cho biết.
Tháng 3 năm ngoái, hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh. Trong đó, nhiều tên tuổi quen thuộc, có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng, bao gồm Apple, Coca-Cola, PepsiCo, Netflix...
Gần đây, đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm 50 công ty hàng đầu của Mỹ đã tới thăm, làm việc tại Việt Nam. Các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: công nghệ, năng lượng, hàng không và quốc phòng, sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, dịch vụ tài chính, y tế, quỹ đầu tư... Đây là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ tới Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Khi được hỏi về việc nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ quan trọng như thế nào, ông Don Lam cho rằng đây là bước ngoặt quan trọng nhất đối với Việt Nam trong 10 năm qua, giúp các nhà sản xuất sẽ nghĩ đến Việt Nam. Ông mô tả, điều này giống như "con dấu chấp thuận" để tập đoàn toàn cầu dịch chuyển đến Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.
Trả lời câu hỏi của nhà báo Richard Quest liên quan đến sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Don Lam nhận định, bối cảnh này cũng góp phần giúp các nhà sản xuất dịch chuyển, tìm kiếm những thị trường mới và Việt Nam có thể hưởng lợi từ điều này. Thực tế đã có một số đơn vị dời nhà máy đến Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu toàn cầu.
Khi được hỏi sự thay đổi lớn nhất mà vị CEO này nhìn thấy trong 30 năm ở Việt Nam, ông Don Lam cho biết đó là đời sống của người dân ổn định hơn, giàu có hơn và hạnh phúc hơn.
Chương trình thực hiện trong chuyến thăm Việt Nam của Richard Quest vào tháng 4 năm nay và hiện có hơn 7.000 lượt xem trên Youtube của kênh Quest Means Business.
Richard Quest sinh năm 1962, là nhà báo người Anh. Ông dẫn dắt, biên tập nhiều chương trình của kênh CNN Business, trong đó có Quest Means Business. Chương trình đưa ra nhiều phân tích về sự kiện, số liệu của nền kinh tế thế giới.