Đầu tư
Việt Nam cần mở rộng cửa hơn cho nhà đầu tư Pháp
Hà Tâm - 08/04/2013 15:53
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) cho biết, hiện số doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp quan tâm đến Việt Nam ngày càng tăng.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Tuy nhiên, để thu hút được vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Pháp, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.

Thưa ông, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp có thế mạnh kinh doanh trong các lĩnh vực gì?

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng có thể ước đoán có khoảng 10.000 doanh nhân gốc Việt tại Pháp, đa số là thương gia có quy mô nhỏ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhà hàng, buôn bán lẻ, đến dịch vụ công nghệ thông tin, y học, dịch vụ tư vấn…

Điểm mạnh của cộng đồng doanh nghiệp gốc Việt tại Pháp là sự am hiểu cách thức kinh doanh, đầu tư của thị trường châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng, song điểm yếu là quy mô nhỏ, liên kết yếu. Trong khi đó, cộng đồng gốc Hoa tại Pháp nhờ đoàn kết, đầu óc kinh doanh, nên đã hình thành được các chuỗi siêu thị phân phối bán lẻ được xếp vào loại các doanh nghiệp lớn nhất tại Pháp.

Hiện nay, mặc dù doanh thu và lợi nhuận của cộng đồng doanh nghiệp gốc Việt tại Pháp có suy giảm vì khó khăn chung của kinh tế châu Âu và sức ép cạnh tranh của các nước mới phát triển, nhưng không dẫn đến ngưng hoạt động hoặc phá sản.

Một trong những mục đích của ABVietFrance là thúc đẩy các dự án đầu tư, thương mại Việt - Pháp. Vậy đến nay, công tác đó đã được thực hiện đến đâu?

ABVietFrance mới thành lập hơn 2 năm nay, với điều kiện còn khiêm tốn về ngân sách cũng như nhân sự, nhưng chúng tôi rất hài lòng đã xây dựng được mối quan hệ với hơn 350 tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, ở trong và ngoài nước Pháp. Ngoài ra, một trong những thành công nhất của Hiệp hội là tạo được sự đoàn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nhân người Việt tại các nước châu Âu và tại Việt Nam.

Hiệp hội tập trung vào 3 hoạt động chính là: cầu nối thương mại, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá mức độ khả thi của dự án hoặc ý tưởng kinh doanh. Từ ngày đầu thành lập đến nay, trong tình hình kinh tế khó khăn, trung bình mỗi tuần, chúng tôi nhận được tối thiểu 1-2 thư ngỏ, chứng tỏ nhu cầu còn nhiều.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thương mại, đầu tư Việt - Pháp?

Hiện thương mại, đầu tư Việt - Pháp còn rất khiêm tốn, nhưng theo tôi, tương lai sẽ được cải thiện rất nhiều, vì nước Pháp có nhiều điểm mạnh mà Việt Nam quan tâm trong lĩnh vực hàng không dân dụng, thiết bị quốc phòng và điện tử, dược phẩm, y tế, công nghệ chăn nuôi, nông nghiệp, mỹ phẩm… Ngược lại, nhiều sản phẩm Việt Nam có thể xuất khẩu sang Pháp là may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, hàng trang sức…

Hiện có nhiều tín hiệu cho thấy, thương mại Việt - Pháp đã khả quan hơn. Năm ngoái, tôi làm việc với ông Marc Cagnard, Giám đốc Ubifrance và được biết sẽ có 40 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Pháp được tổ chức từ ngày 7/4 đến 9/4 tại TP.HCM, nhưng thực tế số doanh nghiệp tham gia lên tới 130 doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp trong Hiệp hội từng có ý định hợp tác thương mại, đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng thất bại. Để thu hút vốn FDI, trong đó có vốn từ các doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp, theo ông, Việt Nam cần có những cải thiện gì?

Những vướng mắc, thất bại mà doanh nghiệp Pháp cũng như Việt kiều tại Pháp thường gặp khi đầu tư về Việt Nam là sự thiếu minh bạch của đối tác Việt Nam, khung pháp lý chưa rõ ràng khiến tình trạng lách luật xảy ra thường xuyên.

Để thu hút được vốn FDI nói chung và vốn FDI từ Pháp nói riêng, theo tôi, Việt Nam cần có chính sách mở rộng cửa hơn cho nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. Đơn cử, trong Đề án Tái cơ cấu ngân hàng của Việt Nam, để đột phá, Việt Nam cần cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần đa số để nắm quyền quản trị của ngân hàng. Ngoài ra, Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch hơn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Với Việt kiều, Việt Nam cũng cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt kiều dễ lấy lại quốc tịch hơn, được hưởng các chính sách như doanh nghiệp trong nước.

Với doanh nghiệp Việt Nam có ý định đầu tư sang Pháp, ông có khuyến cáo gì?

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Pháp, ngoài việc phải quan tâm đến những lĩnh vực mà thị trường Pháp có nhu cầu, họ phải lường trước một số khó khăn có thể gặp phải như: quy mô quá nhỏ, nhân sự chưa đủ chuyên nghiệp và tư duy kinh doanh quốc tế, không có vốn hoặc ít vốn, nhưng lại muốn tiếp cận các công ty lớn của Pháp, sản phẩm không tuân thủ điều kiện chất lượng ngặt nghèo của châu Âu, giá khó cạnh tranh với các hàng hoá nhập từ Trung Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ…

Tin liên quan
Tin khác