Đầu tư
Việt Nam cung cấp cánh cửa hành khách cho Boeing 777
Hoàng Mai - 25/10/2014 09:05
Nhà máy MHI Aerospace Việt Nam đặt tại KCN Thăng Long (Hà Nội) đã bắt đầu sản xuất các loại cửa hành khách cho dòng máy bay Boeing 777, chính thức nối dài danh mục linh phụ kiện “Made in Việt Nam” cung cấp cho các hãng sản xuất máy bay Boeing và Airbus.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Mitsubishi lắp ráp cánh cửa Boeing 777 tại Việt Nam
Tìm hiểu về dòng máy bay Boeing 777
Việt Nam kỳ vọng tham gia chuỗi sản xuất của GE Aviation
Khủng hoảng kinh tế, Airbus vẫn ăn nên làm ra

Ông Yoshiki Ito, Tổng giám đốc MHI Aerospace Việt Nam, công ty con trực thuộc Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (Nhật Bản) cho biết, công suất lắp ráp của MHI Aerospace Việt Nam sẽ đạt 32 cửa hành khách/tháng.

Đây là loại linh phụ kiện thứ hai cho máy bay Boeing được lắp ráp tại nhà máy của MHI Aerospace Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 7 triệu USD.

   
  Máy bay Boeing sử dụng linh kiện được sản xuất tại Việt Nam  

Được cấp phép thành lập vào năm 2007 và chính thức đi vào hoạt động tháng 9/2009, MHI Aerospace Việt Nam chuyên sản xuất và lắp ráp bộ phận cánh tà cho máy bay Boeing 737 với công suất thiết kế 30 bộ cánh tà/tháng. Tính đến nay, nhà máy đã cung ứng trên 1.000 bộ cánh tà cho hãng sản xuất máy bay Boeing.

Không chỉ dừng lại ở việc lắp ráp và sản xuất cánh tà và cửa hành khách, lãnh đạo MHI Aerospace Việt Nam đang kỳ vọng mở rộng quy mô sản xuất các linh phụ kiện máy bay khác được chuyển giao từ nhà máy mẹ tại Nagoya, khi mà Mitsubishi Heavy Industries là đối tác chiến lược chịu trách nhiệm sản xuất cửa hành khách và thân máy bay sau của dòng máy bay Boeing 777.

Ông Ralph Skip Boyce, Chủ tịch Boeing tại Khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh, việc sản xuất và cung ứng các linh phụ kiện đạt các tiêu chuẩn công nghệ khắt khe cho các dòng máy bay Boeing từ các nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã góp phần nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất máy bay toàn cầu.

“Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng, không chỉ với Boeing, mà với cả đối tác của Boeing. Chúng tôi có kế hoạch tăng cường đầu tư, mở rộng mạng lưới đối tác của mình tại Việt Nam cũng như mở rộng việc hợp tác với các đối tác hiện nay như MHI Aerospace Việt Nam trong thời gian tới”, ông Boyce nói.

Bên cạnh MHI Aerospace Việt Nam, Nikkiso Việt Nam, công ty 100% vốn đầu tư của Nikkiso Nhật Bản, đã bắt đầu cung ứng bộ thiết bị cửa chốt làm bằng vật liệu tổng hợp composite – bộ phận chính được lắp đặt trong động cơ GE115 của máy báy Boeing 777, kể từ năm 2011. Nhà máy Nikkiso Việt Nam đặt tại Hưng Yên có tổng vốn đầu tư 1 triệu USD chính thức đi vào hoạt động vào tháng 1/2010.

Tháng 4/2014, Hãng Airbus chính thức công bố, Nikkiso Việt Nam trở thành đơn vị sản xuất và cung ứng xà dọc bằng composite của cánh máy bay và các tấm chắn của thiết bị đầu cánh Sharklet cho dòng máy bay A320 của Airbus. Theo đại diện Hãng Airbus, với hơn 4.280 máy bay A320 đang chờ giao cho các khách hàng trên toàn thế giới, gói sản xuất linh kiện này sẽ đảm bảo đơn hàng ổn định cho Nikkiso Việt Nam.

Trước đó, Korean Aerospace Industries (Hàn Quốc) đã có ý định tìm địa điểm tại Việt Nam để xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện máy bay cho Airbus. Mặc dù quy mô vốn đầu tư chưa được tiết lộ, các bước chuẩn bị cho kế hoạch này đang được triển khai và có thể nhà máy sẽ được xây dựng trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

GE Aviation (Mỹ), nhà sản xuất động cơ máy bay dân sự và quân sự hàng đầu thế giới, cũng đang nhắm tới thị trường Việt Nam không hẳn chỉ với vai trò một khách hàng đầy tiềm năng trong khu vực châu Á, nơi có thể sẽ trở thành một trong những mắt xích quan trọng  trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Công ty, với 79 cơ sở sản xuất và 11 trung tâm kỹ thuật tại 24 quốc gia trên toàn cầu.

Ông David Joyce, Chủ tịch kiêm CEO của GE Aviation đã khẳng định: “Cơ hội để thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam là rất mở và thực tế, chúng tôi đang xem xét kế hoạch để đưa một phần sản xuất của GE Aviation vào cơ sở sản xuất hiện có của GE tại Việt Nam.”

Tuy nhiên, như ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, Việt Nam mong muốn trở thành một mắt xích sản xuất quan trọng của chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho ngành hàng không với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần là các công ty nước ngoài đang thực hiện việc lắp ráp các linh phụ kiện đó tại Việt Nam.

Trình độ lao động và chi phí nhân công có tay nghề tại Việt Nam, cũng như các yếu tố trong môi trường đầu tư thuận lợi được cả MHI Aerospace Việt Nam và Nikkiso Việt Nam được coi là hai tiêu chí hàng đầu cho việc chuyển giao việc sản xuất và lắp ráp các linh phụ kiện máy bay từ nhà máy mẹ ở Nhật Bản sang Việt Nam.

Trên thực tế, chẳng hạn, đối với toàn bộ 6.500 linh phụ kiện cần thiết để sản xuất và lắp ráp cửa hành khách cho dòng máy bay Boeing 777, MHI Aerospace Việt Nam đang phải nhập khẩu từ Nhật Bản.

Theo đánh giá của Công ty, khoảng 10% trong tổng số các linh phụ kiện cho việc sản xuất một chiếc cửa hành khách có thể được “outsource” (thuê gia công nước ngoài) cho các  nhà cung ứng trong khu vực. Tuy vậy, câu trả lời, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để tham gia vào số 10% hay không hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Tin liên quan
Tin khác