Doanh nghiệp
Việt Nam đang trở thành một trong những cường quốc khởi nghiệp
PV - 05/08/2022 08:34
KPMG và HSBC mới đây vừa công bố báo cáo có tiêu đề Emerging Giants in Asia Pacific (tạm dịch: “Những start-up đang lên ở châu Á – Thái Bình Dương”).

Báo cáo xem xét hơn 6.470 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ trên 12 thị trường có tiềm năng tác động đến bối cảnh kinh tế toàn cầu trong thập kỷ tới.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Khối Tư vấn Doanh nghiệp Tư nhân tại KPMG Việt Nam đã trao đổi với Báo Đầu tư về các xu hướng khởi nghiệp và phát triển của doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam và trong khu vực. 

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Khối Tư vấn Doanh nghiệp Tư nhân tại KPMG Việt Nam

Theo báo cáo, 10 công ty tư nhân đang lên hàng đầu của Việt Nam trải đều trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông có thể cung cấp một bức tranh tổng quan về các doanh nghiệp đang phát triển nhanh chóng này? Có điểm giống nhau hoặc khác biệt đáng chú ý nào giữa các doanh nghiệp trong khu vực và ở Việt Nam?

Nếu nhìn vào danh sách 10 start-up đang lên, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự hiện diện đều của các lĩnh vực, từ tiền điện tử, thương mại điện tử, đến y tế, giáo dục, fintech và bất động sản. Tuy nhiên, tất cả các công ty này đều tận dụng những lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ và tìm cách nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Điều này được thấy không chỉ ở các start-up Việt Nam mà trên toàn khu vực.

Điều này là dễ hiểu và hợp lý với một nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam. Chúng ta có một dân số trẻ được sinh ra trong kỷ nguyên kỹ thuật số nên phần lớn rất thành thạo về công nghệ. Cùng với tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh và thu nhập khả dụng ngày càng tăng, những yếu tố này tạo ra một cộng đồng người tiêu dùng ngày càng hiểu biết về các lựa chọn sản phẩm và dịch vụ.

Sự kết hợp của những đặc điểm này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp sử dụng nền tảng kỹ thuật số, tạo điều kiện phát triển hiệu quả cho nền kinh tế dẫn dắt bởi người tiêu dùng, nơi các doanh nghiệp có thể nhanh chóng phản ứng với xu hướng thị trường và người tiêu dùng có thể tiếp cận danh mục sản phẩm và dịch vụ được bản địa hóa.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng giúp loại bỏ những chênh lệch về khả năng tiếp cận thị trường, khả năng tiếp cận nguồn vốn và sự sẵn có của các công cụ và năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp ở các vùng địa lý khác nhau. Về bản chất, nói về mặt công nghệ, các công ty khởi nghiệp trong khu vực có những cơ hội như nhau và chia sẻ những thách thức giống nhau.

Báo cáo ghi nhận sự gia tăng về vốn đầu tư trong năm 2021 là do hai lý do, thứ nhất là sự háo hức của các nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội mới và thứ hai là các công ty cần tái đầu tư và mở rộng sau đại dịch. Ông có kỳ vọng dòng đầu tư này sẽ tiếp tục khi nền kinh tế ổn định trở lại sau đại dịch?

Nếu chúng ta nhìn vào báo cáo và các số liệu thống kê khác, có thể thấy rằng mức đầu tư, ngay cả trong hai năm ảnh hưởng do đại dịch vừa qua, tăng một cách lành mạnh.

Hiện tại, chúng ta đang trên đà vượt qua mức đầu tư của giai đoạn trước Covid-19, cụ thể là 2019-2020. Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến ​​số lượng công ty khởi nghiệp tăng 75% so với trước đại dịch. Mặc dù Việt Nam thu hút một tỷ lệ đầu tư khởi nghiệp nhỏ so với các nước khác trong khu vực, với nền kinh tế phát triển mạnh và môi trường chính trị tương đối ổn định, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục ở mức lành mạnh và tăng lên trong những năm tới.

Một điều tôi muốn lưu ý là cho đến nay vốn đầu tư nước ngoài thông qua các phương tiện khác nhau chiếm một phần lớn trong tổng vốn đầu tư. Nhưng tôi kỳ vọng điều đó sẽ thay đổi khi nhiều nhà đầu tư trong nước sẽ quan tâm và chủ động hơn trong việc tài trợ cho các công ty khởi nghiệp của Việt Nam.

Với thị trường Việt Nam nói riêng, đâu là thách thức và cơ hội cho các công ty khởi nghiệp?

Sân chơi cho các công ty khởi nghiệp trong nước đã trở nên bình đẳng và công bằng hơn. Có những nền tảng cho phép các công ty khởi nghiệp giới thiệu ý tưởng, tầm nhìn và kế hoạch của họ với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để giúp họ tiếp cận vốn và cơ hội được huấn luyện.

Đồng thời, có thể thấy rằng chính phủ đã chủ động đưa bức tranh khởi nghiệp lên cấp quốc gia, tạo ra các khuôn khổ pháp lý như ưu đãi thuế và tài trợ cho các công ty khởi nghiệp. Tất cả những điều này đã và đang xảy ra, và là một dấu hiệu đáng khích lệ cho các doanh nhân.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù ý tưởng, tầm nhìn và kế hoạch của các startup có đột phá và tham vọng đến đâu, họ cũng không nên bỏ qua các nguyên tắc kinh doanh cơ bản như lập kế hoạch và quản trị tốt để đảm bảo khả năng kinh doanh lâu dài.

Cuối cùng, khi các nền kinh tế đang hợp nhất và ranh giới thị trường đang mờ dần, các công ty khởi nghiệp cũng phải đảm bảo rằng các ý tưởng, kế hoạch và tầm nhìn của họ phù hợp với xu hướng toàn cầu. Tất cả các mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ của họ sẽ luôn phải điều chỉnh để đảm bảo lợi ích lâu dài cho môi trường, cộng đồng và xã hội nói chung.

Theo ông, một số xu hướng nổi bật đối với tăng trưởng khởi nghiệp trong những năm tới là gì? Chính phủ có thể hỗ trợ như thế nào để tạo ra một môi trường phát triển khởi nghiệp thuận lợi hơn?

Với những đặc điểm nhân khẩu học cụ thể của Việt Nam mà tôi đã đề cập, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành tập trung vào người tiêu dùng như y tế, fintech, bảo hiểm và giáo dục. Các sản phẩm và dịch vụ sẽ được bản địa hoá, do đó đòi hỏi các công ty khởi nghiệp phải điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ cho phù hợp với các yêu cầu luôn thay đổi của khách hàng.

Việt Nam đang trở thành một trong những cường quốc sản xuất tiếp theo của khu vực. Do vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ cần các công ty khởi nghiệp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có thể giúp các nhà sản xuất cách mạng hóa hoạt động của họ, có thể ở công nghệ R&D, tự động hóa quy trình, quản lý chuỗi cung ứng hỗ trợ bởi AI hay dự báo nhu cầu dựa trên AI.

Về sự hỗ trợ của chính phủ, có lẽ chúng ta cần các chính sách và khuôn khổ hỗ trợ dành riêng cho từng ngành. Ở đây, về cơ bản chúng ta đang thấy chính phủ không chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ mà còn là người mua các giải pháp.

KPMG đang hỗ trợ những doanh nghiệp tiềm năng này như thế nào?

Ở cấp độ doanh nghiệp, KPMG luôn kết nối chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp, cả ở Việt Nam và toàn cầu, bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực tư vấn. Chúng tôi cũng tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để cung cấp thông tin, dữ liệu, và dịch vụ cố vấn/huấn luyện, chẳng hạn như các hội thảo giúp củng cố kỹ năng kinh doanh cơ bản hay năng lực kỹ thuật cho các công ty trẻ này. Chúng tôi cũng giúp kết nối những công ty khởi nghiệp này với mạng lưới các nhà đầu tư nếu có nhu cầu về nguồn vốn.

Ngoài ra, KPMG Private Enterprise là một khối dịch vụ được thiết kế và giao nhiệm vụ đặc biệt để phục vụ các yêu cầu của các doanh nghiệp tư nhân tiềm năng này, bao gồm các doanh nghiệp nằm trong danh sách Top 10.

KPMG Private Enterprise là một mạng lưới toàn cầu bao gồm đội ngũ cố vấn, nguồn lực kiến thức, thông lệ, công cụ và các liên minh cung cấp dịch vụ. Chúng tôi hiểu các thách thức thay đổi theo thời gian của việc điều hành công ty khởi nghiệp và có cùng tư duy kinh doanh với họ.

Các cố vấn đáng tin cậy của chúng tôi luôn tận tâm đồng hành cùng các công ty khởi nghiệp trên mọi chặng hành trình của họ, bất kể doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào, từ lập kế hoạch, tăng trưởng hay rút lui khỏi thị trường.

Đọc thêm về báo cáo mới nhất của KPMG & HSBC Emerging Giants in Asia Pacific tại đây:

https://home.kpmg/vn/en/home/insights/2022/07/emerging-giants-in-asia-pacific.html

Tin liên quan
Tin khác